Giải quyết ATTP từ gốc

22/03/2016 3:24 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nhưng tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… vẫn chưa được xử lý tận gốc. Vì vậy, Bộ Y tế đã lập kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2016 nhằm giải quyết vấn đề ATTP một cách căn cơ, từ gốc.

Theo Bộ Y tế, mặc dù thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp luôn được quan tâm, có những chiến dịch cao điểm được triển khai và đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nhưng vấn đề đảm bảo ATTP vẫn còn bức xúc nổi cộm khi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa triệt để, tỷ lệ mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn cao, tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi thủy sản ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.

Vì vậy, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2016 (diễn ra từ15/4-15/5/2016, trên phạm vi toàn quốc), ngành Y tế đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm một cách căn cơ, từ gốc. Trước hết sẽ bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn, đồng thời tạo dựng thị trường cho việc tiêu thụ sản phẩm an toàn, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tập trung tạo đột phá, chuyển biến ở 4 lĩnh vực chính: chất cấm trong chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản; thuốc BVTV và phân bón hữu cơ, phân bón khác.

Nhằm tiếp nối các kết quả đã đạt được trong năm 2015, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương chọn chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 là “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Với mục tiêu giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản; nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối, cung ứng rau, thịt, nông sản. Giảm thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt mất an toàn thực phẩm. Bộ Y tế cho biết, ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, “Tháng hành động” năm 2016 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng ATTP và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn nói chung và rau, thịt nói riêng.

Chú ý đến các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng VSATTP, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.

Với chủ đề chính là “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, các địa phương sẽ tổ chức hội nghị, lễ phát động triển khai “Tháng hành động” ở tất cả các tỉnh/ thành phố, quận/huyện, xã/phường, thời gian từ ngày 15-20/4/2016. Đồng thời triển khai chiến dịch truyền thông thông qua huy động các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương tham gia chiến dịch về bảo đảm chất lượng, VSATTP, tạo diễn đàn trao đổi sâu rộng giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm rau, thịt theo pháp luật. Quản lý kinh doanh rau, thịt trong các chợ đầu mối, cửa hàng chuyên doanh, các siêu thị, chợ bán lẻ, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu rau, thịt.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và bảo đảm an toàn thực phẩm rau, thịt nói riêng.

Tại các địa phương, Sở Y tế phối hợp với các Sở, ban ngành, tổ chức chính trị, xã hội tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm. Đặc biệt huy động hệ thống loa truyền thanh xã phường tham gia tuyên truyền an toàn thực phẩm. 

Đồng thời, sẽ tiến hành thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến từ  rau, thịt trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến từ rau, thịt việc thực hiện các cam kết bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật.

Tú Mai

Top