Giải quyết một số khó khăn trong thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

25/08/2020 5:43 PM

(Chinhphu.vn) - Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (NQ số 42), Hà Nội đã phần nào tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xử lý hiệu quả, cải thiện đáng kể tình hình nợ xấu trên địa bàn Thành phố.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, trong 3 năm qua, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn Hà Nội luôn được tăng cường, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu đảm bảo an toàn và duy trì môi trường kinh doanh ổn định, an toàn cho các TCTD; đồng thời hạn chế tối đa các khoản nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng các TCTD trên địa bàn Thành phố (tính đến 30/6/2020 tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn Hà Nội chiếm 1,97% trên tổng dư nợ). Các TCTD đã tích cực hơn trong công tác xử lý nợ xấu và ý thức trả nợ của khách hàng tăng lên.

Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, các TCTD trên địa bàn Hà Nội đã chủ động triển khai công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu có hiệu quả. Ngay sau khi Đề án 1058 được triển khai, sự ổn định, an toàn của các TCTD được giữ vững, quy mô hoạt động tiếp tục tăng, cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, chất lượng tín dụng được cải thiện; năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế, vi phạm pháp luật trong ngành ngân hàng giảm dần. Qua đó, góp phần quan trọng bảo đảm sự ổn định và an toàn trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố. Quy mô, năng lực tài chính của các TCTD tăng nhanh trong 3 năm qua, tổng dư nợ cho vay của khách hàng tăng trưởng qua từng năm (tính đến 31/12/2017 đạt 1,6 triệu tỷ đồng; đến 31/12/2018 đạt 1,87 triệu tỷ đồng, đến 31/12/2019 đạt 2,1 triệu tỷ đồng và đến 30/6/2020 đạt 2,17 triệu tỷ đồng) cùng với mặt bằng lãi suất duy trì ổn định và có xu hướng giảm trong 6 tháng đầu năm 2020, qua đó đã hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chất lượng tín dụng được cải thiện, các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu. Bên cạnh đó, NQ số 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng trong việc xử lý nợ xấu. Đến 30/6/2020, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn Hà Nội chiếm 1,97% trên tổng dư nợ. Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện và năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Nhìn chung, hoạt động của các hệ thống các TCTD trên địa bàn Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực. Huy động vốn tăng trưởng đều hàng năm. Tín dụng tăng trưởng phù hợp với nhu cầu vốn để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%.

Các TCTD cũng tích cực nâng cao năng lực quản lý rủi ro đối với các khoản vay thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề. Đồng thời, triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về vệc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến 30/6/2020, nợ xấu trên địa bàn Hà Nội chiếm 1,97% trên tổng dư nợ. Một số nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu như do ảnh hưởng tác động của dịch bệnh Covid-19, doanh thu của khách hàng bị suy giảm, ảnh hưởng đến nguồn trả nợ của khách hàng, các khoản nợ xấu đã tồn tại từ nhiều kỳ trước do khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên không trả nợ gốc và lãi đúng hạn.

Tích cực xử lý nợ xấu trên địa bàn theo Nghị quyết số 42

Đối với các TCTD (trừ Quỹ tín dụng nhân dân), đến thời điểm 30/6/2020, tổng nợ xấu xác định theo NQ 42 là: 94.140,89 tỷ đồng. Trong đó tổng nợ xấu tại các chi nhánh TCTD trên địa bàn là 89.161,33 tỷ đồng, chiếm 94,71% tổng nợ xấu NQ42; Nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 4.979,57 tỷ đồng, chiếm 5,29%; Nợ xấu tập trung chủ yếu ở hình thức cho vay 91.157,79 tỷ đồng chiếm 96,83% tổng nợ xấu NQ42 các TCTD trên địa bàn;

Tổng nợ xấu theo NQ42 đã xử lý của các chi nhánh TCTD trên địa bàn: 72.827,72 tỷ đồng.

Sau 3 năm NQ 42 đi vào thực tiễn, tình hình xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Quá trình triển khai NQ 42 đã làm thay đổi tư duy về nợ xấu, cho rằng nợ xấu là của ngành ngân hàng… khẳng định quyền chủ nợ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người vay; ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao, các quy định tại NQ 42 đã được các TCTD áp dụng có hiệu quả bước đầu trên thực tế (chủ yếu thực hiện theo hình thức thu giữ TSBĐ, bán nợ theo giá trị thực tế, phân bổ lãi dự thu, mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán...), đảm bảo các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Đối với khối Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), dư nợ xấu theo NQ 42 của hệ thống QTDND trên địa bàn Hà Nội tại thời điểm 30/6/2020 là 175,4 tỷ đồng; đã xử lý được 44,8 tỷ đồng.

Việc xử lý tài sản để xử lý nợ xấu theo NQ 42 đối với khối QTDND chưa đạt được nhiều kỳ vọng do tài sản đảm bảo của các QTD không đầy đủ tính pháp lý để xử lý như đối với các NHTM. Tuy nhiên, việc các QTDND tranh thủ được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền đến các khách hàng vay vốn về quyền được thực hiện trong NQ, do đó có nhiều khách hàng tự giác trả nợ, nợ xấu cũ cũng đã giảm dần.

Về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản liên quan đến nợ xấu thuộc trách nhiệm chi của ngân sách địa phương, trên địa bàn Hà Nội không phát sinh nợ xấu thuộc trách nhiệm chi của ngân sách địa phương

Kiến nghị giải quyết một số khó khăn vướng mắc trong thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu

Theo UBND thành phố Hà Nội, thực tế hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động, chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh của TCTD như tín dụng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Do đó, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị cần có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thu lý, giải quyết tại Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS). Đồng thời cần có hướng dẫn xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định để xác định thời gian phát sinh tranh chấp; tài sản nào đang tranh chấp, cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau để áp dụng đồng bộ khi xử lý theo NQ số 42.

Bên cạnh đó thành phố cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét và sửa đổi, bổ sung vấn đề liên quan đến giấy tờ hồ sơ khi thực hiện đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; kiến nghị Tổng Cục THADS cần rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý TSBĐ thu hồi nợ, ưu tiên triển khai thực hiện để đảm bảo giá trị tài sản đảm bảo thu hồi lớn nhất, đồng thời có văn bản chỉ đạo các Cục THADS ở địa phương cần tập trung và quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm các vụ việc đang thi hành án; Kiến nghị cần phải có hướng dẫn cụ thể, thống nhất thực hiện Điều 12 Nghị quyết 42 liên quan đế thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và việc chuyển nhượng TSBĐ giữa các bộ, ngành có liên quan (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp -Tổng cục THADS).

Minh Anh

Top