Giáo dục về di sản cho học sinh Hà Nội

19/09/2018 5:19 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 19/9, tại Khu di sản Hoàn Thành Thăng Long đã diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa trong các trường học thuộc ngành Giáo dục & Đào tạo Hà Nội và Khai mạc Chương trình Vui Tết Trung thu 2018.

Ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa trong các trường học thuộc ngành Giáo dục & Đào tạo Hà Nội. Ảnh: Minh Anh

Tới dự buổi lễ có: Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa; Trưởng Văn phòng Đại diện UNESCO tại Hà Nội Michale Croft; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên; GS. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Theo Thỏa thuận hợp tác, hàng năm các nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch, phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đưa học sinh tới học tập, trải nghiệm tại khu di sản Hoàng Thành Thăng Long vào những khoảng thời gian thích hợp trong năm học. Đây là chương trình ngoại khóa gắn với bộ môn Lịch sử địa phương. Trong đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long  - Hà Nội đã xây dựng các chương trình học tập phù hợp với các cấp học và lứa tuổi, bao gồm:

Chương trình  “Em tìm hiểu di sản” dành cho học sinh các cấp, với nhiều trải nghiệm bổ ích như tham quan, học lịch sử qua các chuyên đề, giao lưu cùng các nhà sử học; tham gia các hoạt động tương tác truyền thống như dán quạt, vẽ gốm, in tranh dân gian…;  

Chương trình chuyên đề “ Em làm nhà khảo cổ” dành cho học sinh tiểu học. Đây là chương trình chuyên sâu với nhiều trải nghiệm thực tế như đào khảo cổ, dập hoa văn hiện vật, vẽ hiện vật…, giúp các em rèn luyện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm và rèn luyện các phẩm chất cần cù, kiên trì, sáng tạo, tỉ mỉ;  Chương trình tham quan học tập và chụp ảnh kỷ yếu tại Hoàng thành Thăng Long dành cho học sinh cuối cấp(lớp 9 và lớp 12);

Chương trình tham quan, học tập ngoại khóa tại khu di tích Cổ Loa, trải nghiệm các hoạt động tương tác tại khu trưng bày Không gian Việt như bắn nỏ, in tranh dân gian, làm bỏng chủ, làm oản xôi lá mít; chơi các trò chơi dân gian pháo đất, đắp thành, kéo co, ném vòng…

Hằng năm, Trung tâm sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình hợp tác; tổng hợp thông tin phản hồi, ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo và các em học sinh để từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng tổ chức chương trình.

Các bảo tàng, di tích có vai trò quan trọng trong việc giáo dục công chúng, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ. Chức năng giáo dục của các Di sản Thế giới cũng đã được thể chế hóa trong Công ước Di sản Thế giới 1972.

Để gắn kết di sản với cộng đồng, với mục tiêu hướng tới khách tham quan, đặc biệt là những khách tham quan nhỏ tuổi, trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và các chuyên gia từng bước xây dựng các hoạt động giáo dục di sản bổ ích cho các em học sinh.

Riêng trong năm 2017, đã có hơn 2.600 học sinh THCS và 1.300 học sinh Tiểu học được trải nghiệm các chương trình giáo dục di sản, tìm hiểu di sản chuyên sâu tại Hoàng thành Thăng Long (chương trình Em tìm hiểu di sản và Em làm nhà khảo cổ). Ngoài ra, hơn 18.000 em nhỏ được trải nghiệm các chương trình Trung thu truyền thống và Tết Việt tại khu di sản, chưa kể hàng vạn học sinh đã tham quan khu di sản theo chương trình thông thường.

Những kết quả đó là sự nỗ lực của Trung tâm để gieo mầm tình yêu di sản một cách bền vững; đưa khách nhí tiếp cận di sản theo một phương pháp mới, hiệu quả và bổ ích hơn: học mà chơi, chơi mà học, chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm,  

Theo ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội, bằng việc hợp tác với ngành GD&ĐT thủ đô Hà Nội và sự vào cuộc của các nhà trường, các thầy cô giáo; thông qua lễ ký kết thỏa thuận hợp tác ngày hôm, chương trình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu  di tích Cổ Loa sẽ được triển khai sâu rộng hơn, bài bản hơn trong các trường học của thủ đô.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, các nhà sử học để xây dựng các chuyên đề học tập lịch sử tại khu di tích phù hợp, hấp dẫn với các cấp học; đồng thời đưa ứng dụng thuyết minh trên smartphone tham quan di sản Hoàng thành Thăng Long tiếp cận rộng rãi các em học sinh như một công cụ quảng bá và học tập bổ ích.

Chương trình Vui Tết Trung thu 2018 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long với nhiều hoạt động bổ ích. Ảnh: Minh Anh

Ngay sau khi Lễ ký kết được diễn ra, chương trình Vui Tết Trung thu 2018 cũng đã được khai mạc tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long với nhiều hoạt động bổ ích, hướng tới mục tiêu giáo dục truyền thống cho các em học sinh.

Tại đây, các em được trải nghiệm không gian trưng bày, trang trí Trung thu truyền thống với chủ đề “Giấy hồng Vui Tết trung thu”, tham gia các trò chơi dân gian, thả diều; trải nghiệm các hoạt động tương tác: tô mặt nạ, nặn tò he,nghệ thuật gấp giấy Origami (Nhật Bản)…; xem biểu diễn múa rối nước; đặc biệt là chương trình gặp gỡ giao lưu cùng các nhà sử học và nghệ nhân thông qua các chuyên đề giáo dục di sản: Các bậc Vua sáng tôi hiền qua tích truyện trung thu tại Cung đình Thăng Long xưa, Giáo dục bảo vệ môi trường thông qua Đồ chơi giấy truyền thống…

Thời gian chương trình vui Tết Trung thu tại Khu Di sản Hoàng Thành Thăng Long sẽ diễn ra từ ngày 19/9/2018 - 23/9/2018

Giờ mở cửa trong các ngày 19/9 và 20/9 sẽ từ 8h00 đến 17h00; các ngày 21/9, 22/9 và 23/9 từ 8h00 đến 21h30.                         

Minh Anh

Top