Giao thông Thủ đô: Hoàn thiện để bứt phá

07/02/2019 10:28 AM

(Chinhphu.vn) - Năm 2019, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai những nội dung liên quan đến quản lý phương tiện với nhiều đề án rất quan trọng như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông bằng cách xây dựng bản đồ số giao thông; xây dựng Đề án quản lý phương tiện ra vào khu vực trung tâm...

Một đoạn dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Diệu Anh

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, năm 2018 vừa qua, Bộ GTVT kết hợp với TP. Hà Nội hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số công trình kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao năng lực phục vụ giao thông của Thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã cố gắng tổ chức giao thông hợp lý, giải quyết kịp thời những bất cập liên quan đến công tác hạ tầng, xử lý các điểm đen giao thông.

Tính chung năm 2018, Hà Nội đã giảm được 6 điểm “đen” ùn tắc giao thông; tai nạn giao thông giảm 5% cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhân dân đi lại trên địa bàn Thành phố, nhất là vào các dịp cao điểm lễ, Tết. Đối với lĩnh vực xe buýt, đã triển khai được 14 tuyến mới, tỷ lệ vận chuyển hành khách của vận tải công cộng đạt 14%.

Triển khai nhiều đề án quan trọng về giao thông

Năm 2019, Sở GTVT sẽ tiếp tục triển khai những nội dung liên quan đến quản lý phương tiện với nhiều đề án rất quan trọng như Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông bằng việc xây dựng bản đồ số giao thông; cung cấp thông tin giao thông thực trên địa bàn cho người tham gia giao thông lựa chọn đường đi cho phù hợp. Xây dựng Đề án quản lý phương tiện ra vào khu vực trung tâm với mong muốn dùng biện pháp kinh tế đề điều tiết tổ chức giao thông cho phù hợp với nhu cầu và kết cấu hạ tầng giao thông.

“Điều này cũng đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương. Sở sẽ phối hợp với Viện Chiến lược Bộ GTVT và các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ càng để triển khai từng bước theo lộ trình phù hợp”, ông Viện cho hay.

Ông Viện cho biết thêm, hiện Hà Nội đang hết sức tích cực triển khai các dự án giao thông trọng yếu như: Vành đai 1, Vành đai 2 và Vành đai 3 cũng như một loạt các công trình kết nối giao thông giữa các khu đô thị, các khu trung tâm với ngoại thành. Thành phố cũng đang tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo dự kiến của Bộ GTVT, tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh – Hà Đông sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2019. Để chuẩn bị cho việc này, Chính quyền Thành phố đã cho phép Sở GTVT triển khai một dự án kết nối hạ tầng, nhằm thuận lợi cho các phương tiện giao thông và người đi bộ dễ dàng tiếp cận với các điểm nhà ga của tuyến đường sắt đô thị.

“Chúng tôi cũng đã có phương án điều chỉnh hệ thống tuyến buýt cận kề khu vực này nhằm thu hút tối đa hành khách cho tuyến ĐSĐT 2A. Đồng thời bảo đảm phát huy năng lực của toàn mạng vận tải hành khách, tăng sức hút đối với hành khách và nhân dân”, ông Viện nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực xe buýt, năm 2019, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố vẫn tiếp tục chỉ đạo mở rộng tối đa mạng lưới xe buýt để nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng. Dự kiến, kế hoạch năm 2019, Hà Nội sẽ mở mới từ 15-20 tuyến xe buýt mới. Trong đó có một số tuyến buýt gom sử dụng xe nhỏ để có thể đi vào các tuyến đường có mặt cắt nhỏ, thu hút nhiều hành khách hơn cho các tuyến buýt hiện có.

Xây dựng, phát triển giao thông thông minh

Ông Vũ Văn Viện cho biết, hiện Hà Nội đang trên tiến trình xây dựng Thành phố thông minh với hệ thống giao thông thông minh. Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giao thông, chúng ta có thể kết nối, nâng cao năng lực vận tải nhằm phục nhân dân.

Một số thành phần cơ bản của hệ thống giao thông thông minh như hệ thống thông tin giao thông tích hợp; hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh; hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh… đang được xây dựng.

Đặc biệt, người dân 4 quận nội thành Hà Nội đã được tiếp cận hệ thống hỗ trợ tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe qua điện thoại thông minh (iParking) tại các điểm trông giữ xe ô tô. Thành phố đã nhân rộng mô hình này từ 17 điểm lên 146 điểm và nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân nhờ sự tiện dụng, minh bạch, tránh tình trạng “chặt chém” khi gửi xe.

Xây dựng, phát triển giao thông thông minh là một trong những yêu cầu trọng tâm của Thành phố trong năm 2019. Để triển khai từng bước,  Sở GTVT đang tập trung xây dựng trung tâm điều hành giao thông chung của Thành phố. Trên cơ sở đó, ngành GTVT Thủ đô được phân công một số nhiệm vụ như tham mưu cho Thành phố số hóa cơ sở hạ tầng giao thông; phối hợp với FPT cung cấp bản đồ giao thông thực, trực tuyến cho người dân trong quý I/2019; tăng cường kết nối hệ thống camera giám sát.

Thành phố đã có chủ trương giao cho 12 quận nội thành đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát đường phố, vừa để quản lý an ninh trật tự, vừa để phục vụ công tác điều hành, tổ chức, xử lý vi phạm giao thông vừa để cung cấp thông tin xây dựng bản đồ số giao thông của Thành phố.

“Chúng tôi cũng đã kiến nghị Bộ GTVT sớm xây dựng ứng dụng quản lý trực tuyến thiết bị giám sát hành trình của các loại hình xe kinh doanh vận tải. Nếu có ứng dụng quản lý trực tuyến sẽ kịp thời cảnh báo, ngăn chặn các vi phạm như chạy quá tốc độ, chạy sai hành trình, xe “dù” bến “cóc”…”, ông Viện cho biết thêm.

Diệu Anh

Top