Giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố

21/11/2018 5:34 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 21/11, tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội và Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2018.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 56 tỉnh, thành phố cùng gần 400 doanh nghiệp trong nước.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, nhằm thiết thực hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, trong những năm qua, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các biên bản ghi nhớ với trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức 2 hội nghị, 28 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại...;

Đồng thời hỗ trợ 25 tỉnh, thành phố đưa sản phẩm trái cây đến 766 hộ kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành và các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối; ký kết gần 1.000 biên bản ghi nhớ; đã có trên 500 sản phẩm mới được các nhà phân phối của Hà Nội kết nối, tiêu thụ vào kênh phân phối trên địa bàn thành phố và hệ thống phân phối trên toàn quốc.

Đặc biệt, là các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giao thương với các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp,… tạo ra nhiều cơ hội liên kết hợp tác kinh tế cũng như định hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô khi tăng cường khai thác nhiều thế mạnh của các địa phương, thúc đẩy tiêu thụ thông qua hệ thống phân phối của Hà Nội và tăng cường các kênh kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối tại nước ngoài như: AEON Mall (Nhật Bản), Lottemart (Hàn Quốc), Centragroup (Thái Lan), Chợ đầu mối Rungis (Pháp) góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp ra thị trường các nước, nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước (gồm 22 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 454 chợ, gần 1.000 hệ thống cửa hàng tiện lợi, 766 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn của 12 quận nội thành, trên 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm...) có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu.

“Hội nghị giao thương kết nối cung cầu gắn với sự kiện Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2018 tại Hà Nội... sẽ là một chuỗi sự kiện liên kết có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm có thế mạnh của Hà Nội và các địa phương một cách ổn định, bền vững”, Phó Chủ tịch Thành phố nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng, Hội nghị thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Bộ Công Thương, của các bộ, ban, ngành Trung ương, Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản Việt Nam tại thị trường Hà Nội nói riêng, thị trường trong nước, xuất khẩu nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các địa phương và tăng cường quan hệ hợp tác, gắn bó giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, hình thành các chuỗi liên kết gắn với hợp tác, phát triển kinh tế xã hội của nhiều vùng trên cả nước.

Doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Thùy Linh

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về cách thức liên kết, giao thương, gắn kết các vùng sản xuất với phân phối để phát triển kinh tế địa phương. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá, công tác kết nối cung cầu thời gian qua đã bước đầu mang lại một số kết quả tích cực, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội trên các mặt như góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội; thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước phục vụ người dân và xuất khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tại thị trường nội địa.

“Có thể nói Hà Nội không chỉ là trung tâm tiêu thụ mà còn là nơi thu hút các hoạt động giao thương, kết nối sản xuất - tiêu thụ hàng hóa, kết nối doanh nghiệp với các thị trường, đưa sản phẩm của Việt Nam đến mọi miền tổ quốc và đến các thị trường nước ngoài”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, đã có 450 biên bản ký kết được trao tại hội trường và tại các bàn giao dịch. Dự kiến tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh về địa bàn Hà Nội trong dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán Kỷ hợi 2019 đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017. Đặc biệt, hàng hóa dự kiến ký kết cho cả năm 2019 khoảng gần 110.000 tỷ đồng (chiếm hơn 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn Hà Nội).

Thùy Linh

Top