Giữ lợi thế là “cái nôi” của làng nghề

19/09/2016 6:28 PM

(Chinhphu.vn) - Với 100% làng có nghề, huyện Thường Tín đang phấn đấu phát triển theo hướng công nghiệp - dịch vụ, trong đó tiểu thủ công nghiệp là hướng đi được xác định mang tính lợi thế nhất trong quá trình phát triển của các làng nghề.

Sản phẩm làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín. Ảnh: Gia Hân

Là huyện ngoại thành nằm ở phía nam Hà Nội, Thường Tín có diện tích 127,39 km2, có 28 xã và 1 thị trấn, dân số trên 24 vạn người. Lợi thế để Thường Tín phát triển về tiểu thủ công nghiệp là do nơi đây được coi là một trong những “cái nôi làng nghề” lâu đời nhất nước.

Áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển làng nghề

Huyện hiện có 6 cụm công nghiệp, 4 cụm tiểu thủ công nghiệp, có tổng số 126 làng thì tất cả các làng đều có nghề, trong đó có 46 làng được UBND TP. Hà Nội công nhận làng nghề. Địa bàn huyện có trên 900 doanh nghiệp, hàng vạn hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, làng nghề.

Làng nghề Thường Tín đa dạng, trong đó chủ yếu là tiểu thủ công, mỹ nghệ như tiện, thêu tranh, mộc cao cấp, điêu khắc, sơn mài, xương sừng, thêu ren… Nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống tại đây nổi tiếng trong và ngoài nước như: Làng thêu Quất Động, Lưu Xá, Đào Xá; sơn mài Hạ Thái; đồ gỗ mỹ nghệ Đặng Xá; mây tre đan Ninh Sở; làng bánh giày Duyên Thái; làng đá Hiền Giang; làng nghệ tiện gỗ Nghị Khê... Các làng nghề đều có tuổi đời lâu năm và được truyền lại từ đời này sang đời khác.

Theo Bí thư huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, làng nghề đã đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của Thường Tín. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của Thường Tín đạt 5.745,5 tỷ đồng, đạt 65,9% kế hoạch năm và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Huyện cũng đã đề nghị với thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm; điêu khắc đá, gỗ thôn Nhân Hiền xấ Hiền Giang. Giá trị thương mại - dịch vụ ước thực hiện 4.585,3 tỷ đồng, đạt 67,5% kế hoạch năm và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chính vì vậy, việc phát triển làng nghề bền vững theo hướng hiện đại hóa, áp dụng khoa học công nghệ vào sản phẩm nhằm mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm làng nghề, rút ngắn thời gian sản xuất là hướng đi được Thường Tín đặt ra.

Trong đó, Hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái, Duyên Thái được thành lập từ năm 2003 dưới sự tư vấn và giúp đỡ của tổ chức Zaika (Nhật Bản) là tổ chức hoạt động có hiệu quả để quảng bá cho làng nghề Thường Tín. Theo ông Đinh Quý Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái - Duyên Thái, với hơn 200 thành viên tham gia Hiệp hội, các nghệ nhân làng nghề đã không ngừng sáng tạo, cải tiến hàng nghìn mẫu mã sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu và hấp dẫn khách hàng trong và ngoài nước.

Sản phẩm làng nghề được yêu thích tại nhiều thị trường, trong đó có các thị trường Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Riêng làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái có khoảng 110 hộ sản xuất, trong đó có trên 20 doanh nghiệp sản xuất lớn, chiếm 70% nguồn thu nhập của các hộ dân trong làng. Có 80% sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái đã được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Các làng nghề huyện Thường Tín thu hút lực lượng lao động khoảng 75% - 85% trong tổng số lao động tại địa phương. Hoạt động làng nghề góp phần tăng thu nhập người lao động, phát triển du lịch, hạ tầng kỹ thuật, thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Xây dựng thương hiệu hàng hóa các sản phẩm làng nghề

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Minh, các làng nghề tại Thường Tín trên địa bàn phát triển còn mang tính tự phát, quy mô phân tán nhỏ lẻ; chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã chậm thay đổi nên sức cạnh tranh kém. Ô nhiễm môi trường làng nghề cũng đang là vấn đề đặt ra đối với huyện Thường Tín khi các làng nghề thiếu về mặt bằng sản xuất, đều chưa có các hạ tầng kỹ thuật xử lý nguồn nước trước khi xả ra môi trường cũng như thu gom chất thải. Bên cạnh đó, nguy cơ mai một nghề có thể xảy ra khi thiếu nguồn vốn đầu tư, vấn đề trao truyền nghề, đào tạo nghề, nguồn nhân lực có tay nghề và các vấn đề khác liên quan đến thị trường tiêu thụ.

Mặc dù vậy, đến nay, các làng nghề trên địa bàn Thường Tín vẫn đang giữ vững được chất lượng, chủ động, tích cực đổi mới, tìm hướng đi cho các sản phẩm làng nghề, chủ động phát triển thương hiệu… nên chủ yếu các làng nghề vẫn giữ được nghề và ổn định  sản xuất.

Để giữ vững vị trí là “cái nôi” của làng nghề, đồng thời phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ, theo ông Nguyễn Tiến Minh, huyện Thường Tín đang báo cáo thành phố về dự án khu du lịch văn hóa làng nghề Nguyễn Trãi thuộc huyện Nhị Khê nhằm phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, tính hiệu quả gắn với sự phát triển làng nghề. Đồng thời, đầu tư dự án khu du lịch làng nghề Nhị Khê rộng 25 ha với quy mô kiến trúc, môi trường cây xanh phục vụ khách du lịch giao lưu, mua bán các sản phẩm làng nghề của cả huyện Thường Tín.

Thường Tín cũng đang nghiên cứu thiết kế hợp lý đường đưa vật liệu, nguyên liệu thô vào khu sản xuất tiện của làng nghề Nhị Khê cùng với việc xây dựng nhà trưng bày, giao dịch, mua bán hàng hóa; xây dựng bãi đỗ xe ô tô, các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Đồng thời, thực hiện dự án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử thôn Nhị Khê với 22 dòng họ.

Để nâng cao giá trị làng nghề, Thường Tín đang xây dựng thương hiệu hàng hóa các sản phẩm làng nghề và các sản phẩm nông nghiệp như: Mộc cao cấp Vạn Điểm; điêu khắc gỗ, đá Nhân Hiền và xã Nhị Khê…

Gia Hân

Top