Giúp doanh nghiệp làng nghề tiếp cận thị trường xuất khẩu

09/12/2016 9:17 AM

(Chinhphu.vn) – Để công tác khuyến công đạt kết quả cao, năm 2017, Hà Nội cần có những chính sách, chương trình quảng bá sản phẩm, hỗ trợ kinh phí cho làng nghề đăng ký tham gia hội chợ triển lãm, hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề tiếp cận thị trường xuất khẩu sản phẩm, nhập khẩu nguyên liệu cho làng nghề.

Sản phẩm làng nghề trưng bày tại hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Diệu Anh

Đã hoàn thành 97% kế hoạch

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Trung tâm), tính tới thời điểm hiện tại, khuyến công Hà Nội đã hoàn thành 97% kế hoạch được giao. Cụ thể, Trung tâm đã tổ chức 110 lớp truyền nghề cho 3.850 lao động, nhân cấy nghề cho 32 làng thuần nông được đào tạo các nghề như mây, tre, giang đan; may công nghiệp; mộc dân dụng; thêu ren; gốm sứ; sơn mài; cơ khí; dát vàng quỳ; sản xuất giày dép… Kết thúc các khóa truyền nghề, cấy nghề, 100% các làng thuần nông được cấy nghề đã duy trì được nghề với số lượng lao động đạt hơn 70% số lao động được cấy nghề. Các lớp truyền nghề trung bình có hơn 80% lao động được bố trí việc làm tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn sau khi đào tạo.

Trung tâm cũng đã tổ chức Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2016 với quy mô 630 gian hàng. Hội chợ đã thu hút trên 2.500 khách thương mại, trong đó có 605 nhà nhập khẩu nước ngoài đến thăm quan, giao dịch, 10 hợp đồng xuất khẩu trực tiếp với giá trị 300 nghìn USD cũng đã được ký kết. Tổ chức đoàn và hỗ trợ 34 cơ sở, doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất tại Singapore, Hội chợ quốc tế thủ công mỹ nghệ Megashow part I tại Hồng Kông và Hội chợ quốc tế Foire D’Automne năm 2016 tại Pháp...

Kết quả, đã có 10 đơn vị ký hợp đồng tại hội chợ và 10 đơn vị ký hợp đồng xuất khẩu, tổng trị giá ước đạt 550 nghìn USD. Đặc biệt, khuyến công thành phố đã thực hiện 10 dự án hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đáng chú ý, việc hỗ trợ trực tiếp vào đổi mới, nâng cấp máy móc từ chương trình khuyến công của thành phố đã tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, từ đó góp phần giảm giá thành sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế, lợi ích cho đơn vị sản xuất và người lao động.

Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp TP. Hà Nội cho biết, các đề án hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc đã giải phóng sức lao động, giúp người lao động vận hành an toàn hơn, tạo ra sản phẩm có mẫu mã đẹp, độ chính xác cao, từ đó nâng cao hiệu suất, tăng thu nhập và góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, bảo đảm an sinh xã hội.

Cần quảng bá sản phẩm làng nghề

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như ngành nghề công nghiệp nông thôn phát triển chưa bền vững, ô nhiễm môi trường nhiều địa phương ở mức nghiêm trọng. Nguồn kinh phí khuyến công còn hạn chế, nên số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ chưa nhiều. Chất lượng lao động cũng như đào tạo lao động khu vực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp…

Để làm tốt hơn nữa công tác khuyến công, năm 2017, Trung tâm đặt mục tiêu có 800-1.000 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề được hỗ trợ từ công tác khuyến công, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động nông thôn, tạo ra khoảng 300 sản phẩm có thiết kế mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội tăng 8%-10% so với năm 2016. TP. Hà Nội cũng đặt mục tiêu giai đoạn 2016-2020 có hơn 7.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn được hỗ trợ từ chương trình khuyến công, tạo việc làm cho 60.000-75.000 lao động nông thôn. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 12%-15%/năm, năm 2020 đạt kim ngạch hơn 400 triệu USD. Tạo ra hơn 2.500 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới phục vụ xuất khẩu.

Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/CP về khuyến công cho phù hợp với giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Sở cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ nâng mức kinh phí hỗ trợ truyền nghề, nhân cấy nghề cho lao động nông thôn, phối hợp hỗ trợ vốn đầu tư cho phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch, khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề;

Ngoài ra, cần xây dựng chương trình quảng bá sản phẩm, hỗ trợ kinh phí cho làng nghề đăng ký tham gia hội chợ triển lãm, tổ chức các tuyến du lịch làng nghề; cung cấp thông tin giúp các doanh nghiệp làng nghề tiếp cận thị trường xuất khẩu sản phẩm, nhập khẩu nguyên liệu cho làng nghề.

Diệu Anh

Top