Giúp người tiêu dùng Thủ đô thêm tin yêu và sử dụng hàng Việt

28/11/2018 5:14 PM

(Chinhphu.vn)-Ngày 28/11, Báo Hànộimới tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến “Nhân lên niềm tự hào hàng Việt” nhằm đưa ra những giải pháp tăng cường hơn nữa hiệu quả, sức lan tỏa của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Thùy Linh

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Mai Thị Kim Thoa cho biết, sau hơn 9 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với cách làm sáng tạo, sâu sát và sự vào cuộc của hệ thống chính trị toàn Thành phố, người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô ngày càng nhận thức rõ hơn mục đích, ý nghĩa cuộc vận động và hướng tới lựa chọn, mua sắm hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp thay cho việc mua sắm hàng ngoại cùng loại.

Chương trình năm nay đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng môi trường sinh thái để các doanh nghiệp lớn và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất cùng doanh nghiệp phân phối trở thành những đối tác của nhau, mở ra những không gian kết nối và chia sẻ, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm Việt Nam.

Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó, nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Song, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu... Tại lễ phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến kết quả của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong những năm qua. Riêng năm 2018, các sở, ngành Thành phố đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia ký kết trên 1.000 biên bản ghi nhớ, kết quả đã có trên 350 sản phẩm mới của Hà Nội và các địa phương được các nhà phân phối của Hà Nội kết nối, tiêu thụ vào kênh phân phối trên địa bàn thành phố và triển khai vào hệ thống phân phối trên toàn quốc.

Đồng thời hỗ trợ 25 tỉnh, thành phố đưa sản phẩm trái cây đến 766 hộ kinh doanh trái cây trên 12 quận nội thành và các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối; đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, kết nối Nhà sản xuất-Nhà phân phối-Người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố, góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết, nâng cao giá trị hàng Việt trong thời kỳ hội nhập.

Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động lớn, mang lại hiệu quả tích cực, như: Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng”, Chương trình “Tháng khuyến mại” thường niên, các chương trình “Bán hàng bình ổn giá”, Chương trình “Đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng”; các hội chợ, phiên chợ Tết hàng Việt và đặc biệt là Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. Các hoạt động này đã trở thành điểm nhấn trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân.

Cũng tại buổi Tọa đàm, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã cung cấp thông tin sâu hơn về chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. Theo bà Lan, sau 9 năm tổ chức, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm để mỗi năm tổ chức tốt hơn năm trước. Cuộc bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2018 có nhiều điểm mới so với những năm trước như công tác truyền thông cho chương trình bình chọn đã được đẩy mạnh thực hiện trước, trong và sau chương trình bằng hình thức online và offline…

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp, bà Lan cũng cho biết, Thành phố đã tạo điều kiên hỗ trợ, giúp doanh nghiệp đứng vững trong thị trường nội địa và quốc tế. Hiện các sản phẩm nhập ngoại chiếm 15%, dư địa 85% cho sản phẩm nội. “Nếu không có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước và sự nỗ lực của doanh nghiệp thì sẽ không giữ được thị phần như hiện nay đang chiếm lĩnh. Do đó, phải có sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước”, bà Lan nhấn mạnh.

Đồng thời cho biết, Thành phố vẫn phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể như mặt bằng sản xuất, vốn, cơ chế chính sách; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận cơ quan công quyền giải quyết thủ tục nhanh gọn nhất, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp;.

Thành phố cũng đã hỗ trợ bằng nhiều chương trình xúc tiến thương mại để giúp doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu Việt tham gia được nhiều chương trình giới thiệu quảng bá, sản phẩm, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô.

Thùy Linh

Top