Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu ‘vượt bão’ Covid-19

02/03/2020 11:18 AM

(Chinhphu.vn) - Hơn một tháng qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Sars Cov-2 (Covid-19) đã khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử - máy tính, dệt may, da giày, nông sản… trên địa bàn Thủ đô bị ảnh hưởng rất lớn. Trước tình hình này, thành phố Hà Nội đã đề ra những nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh hỗ trợ, gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Ảnh minh họa

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang tác động trực tiếp đến việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, gây khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may, điện tử... trong khâu nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện để sản xuất hàng xuất khẩu. Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, một số ngành hiện gặp rất nhiều khó khăn do phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn nguyên vật liệu. Điển hình là dệt may (50%); da giày (27%); máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại (25%)...

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Thành Vinh Nguyễn Đức Thành chia sẻ, khoảng 60% doanh số của công ty đến từ việc bán các mặt hàng trái cây, trứng vịt, hàng nông sản tươi… sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện gần như không thể xuất khẩu vào thị trường này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Có thể nhìn thấy, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu chung của Thành phố. Theo Cục Thống kê Hà Nội, đến cuối tháng 2/2020, Hà Nội vẫn duy trì là một trong những địa phương có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của cả nước, nhưng sụt giảm mạnh so với những năm trước. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội chỉ đạt hơn 1,728 tỷ USD, giảm khoảng 405 triệu USD (19%) so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là các mặt hàng: Điện thoại và linh kiện (giảm 32,2%); điện tử - máy tính (giảm 30,5%); máy móc, thiết bị, phụ tùng (giảm 26,8%)...

Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 18 tỷ USD năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến tình hình xuất khẩu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, Thành phố đã ban hành Kế hoạch về đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội năm 2020, trong đó đã đề ra 5 nhóm giải pháp cụ thể.

Theo đó, Thành phố giao các sở, ngành liên quan tổ chức các chương trình tập huấn cho doanh nghiệp về thông tin thị trường nước ngoài, các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu trong quản lý thuế; cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi cho doanh nghiệp khu công nghiệp qua hệ thống điện tử cấp độ 3, 4 theo cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN...

Đáng chú ý, bên cạnh việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp chung, Thành phố cũng đẩy mạnh các giải pháp cho từng ngành hàng xuất khẩu. Cụ thể, với ngành hàng linh kiện điện tử, máy tính, sẽ xây dựng thí điểm một số cụm công nghiệp điện tử nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, với ngành hàng nông sản, sẽ đầu tư cho các nghiên cứu về giống và kỹ thuật canh tác...  Đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn; hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý, dành vốn cho vay phát triển sản xuất, xuất khẩu...

Thực hiện chủ trương trên, hiện các sở, ngành, doanh nghiệp đang tích cực vào cuộc với các giải pháp cụ thể. Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Sở sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tập huấn về sản xuất an toàn, nhãn hiệu cho doanh nghiệp, nông dân; cơ cấu lại sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xuất khẩu nông sản...

Đại diện Sở Công Thương cho biết, bên cạnh các giải pháp ứng phó trước mắt với dịch Covid-19, các sở, ngành và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô về lâu dài cần tăng tỷ trọng nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... để tận dụng lợi thế khi Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia này.

Việc phát triển công nghiệp chế biến, sản xuất phụ trợ cũng phải được chú trọng để vừa đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do vừa giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn nguyên vật liệu...

Bích Phương

Top