Hà Nội: Cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp

11/09/2019 2:36 PM

(Chinhphu.vn) - Trong vài năm trở lại đây, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhằm phát triển doanh nghiệp, cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Lãnh đạo các Sở, ngành của Thành phố lắng nghe những thắc mắc của doanh nghiệp - Ảnh: Minh Anh

Với 272.000 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp được thành lập mới, thành phố Hà Nội đang và sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp quan trọng, trong đó mục tiêu là cải thiện các chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tỷ trọng vốn đăng ký khoảng 10 tỷ đồng/doanh nghiệp

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội, lũy kế đến hết tháng 8/2019, Hà Nội có khoảng 272.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập; số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016 là 22.666 doanh nghiệp; năm 2017 là 24.536 doanh nghiệp; năm 2018 là 27.742 doanh nghiệp; riêng 8 tháng đầu năm 2019 là 17.846 doanh nghiệp (tăng 9% so với cùng kỳ). Giai đoạn 2016-2018, có thêm 86.019 doanh nghiệp (tăng 47% so với trước khi có Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ).

Cũng theo báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp năm 2018-2019 là khoảng 10 tỷ đồng/doanh nghiệp. Mật độ người dân/doanh nghiệp là 38 người dân/doanh nghiệp (cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung của cả nước (cả nước là 135 người dân/doanh nghiệp). Đóng góp của các doanh nghiệp và ngân sách của Thành phố vào khoảng 30%.

Trong số các doanh nghiệp trên địa bàn, hiện các doanh nghiệp nhỏ (DNNVV) và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp, vốn đăng ký của DNNVV giai đoạn 2016 - 2018 trung bình khoảng 7 tỷ đồng/doanh nghiệp; năm 2019 khoảng trên 10 tỷ đồng/doanh nghiệp. Nhìn chung DNNVV có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Theo thống kê, các DNNVV tạo ra khoảng 40% GDP; số việc làm tạo ra của DNNVV tạo ra khoảng 60% việc làm; vốn đầu tư của DNNVV chiếm 25% tổng số vốn đầu tư của toàn doanh nghiệp; đóng góp khoảng 30% ngân sách.

Mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính

Ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở KH&ĐT Hà Nội) cho biết, triển khai Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, từ tháng 8/2016, Sở KH&ĐT Hà Nội đã chủ động phân loại hồ sơ và lựa chọn thực hiện đối với 12 loại thủ tục hành chính không thu phí, lệ phí. Đề nghị cá nhân, doanh nghiệp thực hiện nộp 100% qua mạng, không nộp hồ sơ giấy; thực hiện ghép thủ tục công bố thông tin doanh nghiệp cùng với thực hiện thủ tục thành lập mới/thay đổi đăng ký doanh nghiệp; Liên thông trong giải quyết các thủ tục thành lập doanh nghiệp giữa Sở KH&ĐT - Cục Thuế thành phố - Cục Quản lý đăng ký doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT.

Cùng với đó, Sở KH&ĐT Hà Nội cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử trên các phương tiện thông tin truyền thông, phát hành tờ rơi, cẩm nang hướng dẫn thực hiện quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử; tổ chức các Hội nghị gặp mặt các công ty tư vấn Luật để tuyên truyền, thuyết phục thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử; tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn các đơn vị tư vấn về đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử; trang bị máy tính nối mạng, máy scan; bố trí cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn nộp hồ sơ qua mạng ngay tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và tại Phòng tư vấn của Trung tâm Hỗ trợ DNNVV.

Từ năm 2018, thành phố Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng với tỷ lệ 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đều được nộp qua mạng điện tử.

Cùng với những nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong cải thiện môi trường đầu tư, Hà Nội cũng đã triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp.

Triển khai mô hình Cơ quan đăng ký doanh nghiệp thân thiện

Triển khai mô hình Cơ quan đăng ký doanh nghiệp thân thiện, Hà Nội đã cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tiện ích cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Sở, triển khai dịch vụ đăng ký trước số tài khoản ngân hàng. Việc này đã giảm số lần đi lại, giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp (giảm bớt 1 thủ tục hành chính đăng thông báo tài khoản ngân hàng); phối hợp với Bưu điện Hà Nội thực hiện dịch vụ trả kết quả tại nhà/trụ sở doanh nghiệp; gửi Thư chúc mừng tới các doanh nghiệp mới thành lập kèm các gói quà tặng miễn phí (phần mềm kế toán, phần mềm quản lý văn bản, tư vấn thuế; tư vấn quản lý văn bản, hợp đồng…); phối hợp với VNPT Hà Nội triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ đầu số hotline - tin nhắn thương hiệu, chữ ký số công cộng.

Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Hà Nội cũng đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp (đăng ký doanh nghiệp, đầu tư), tạo môi trường thông thoáng, lành mạnh để các DNNVV hoạt động và phát triển; thực hiện tư vấn, hướng dẫn miễn phí cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục về đăng ký doanh nghiệp; triển khai hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp như: Chương trình đào tạo Giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO); Chương trình quản trị doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh cho các DNNVV (ngân sách bố trí khoảng 21 tỷ đồng/năm); tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng đề tài khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; hỗ trợ cung cấp thông tin và mở rộng thị trường; hình thành và đẩy mạnh hoạt động của một số vườn ươm doanh nghiệp.

Bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp

Ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam cho biết, Hà Nội đã ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tại Quyết định số 4665/QĐ-UBND ngày 5/9/2018, theo đó nhiều nội dung hỗ trợ được triển khai như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DNNVV gia nhập thị trường; hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp; hỗ trợ về phí, lệ phí và công tác kế toán cho DNNVV khởi sự; hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho các DNNVV; hỗ trợ cung cấp thông tin, xúc tiến, mở rộng thị trường; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ; hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV và DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

Cùng với đó Hà Nội cũng đã ban hành cơ chế hỗ trợ riêng của Hà Nội dành cho doanh nghiệp thành lập mới như Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới về phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia: 300.000 đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí làm 1 con dấu pháp nhân cho doanh nghiệp thành lập mới, không quá 300.000 đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới kinh phí chuyển phát nhanh kết quả tại nhà khoảng 20.000 đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo về kiến thức khởi sự kinh doanh, lập phương án sản xuất kinh doanh cho các hộ kinh doanh và thông tin các chính sách của Chính phủ và Thành phố về ưu đãi, khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp; không thực hiện thanh tra, kiểm tra trong thời gian 3 năm đầu kể từ khi doanh nghiệp được thành lập.

Theo đó, Hà Nội thành lập Ban điều phối Đề án; đẩy mạnh truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm; hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội.

Từ những nỗ lực triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thành phố đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, ngoài việc tăng liên tục số doanh nghiệp thành lập mới, chỉ số PCI cũng đã được thăng hạng đáng kể, tăng liên tiếp trong 3 năm, năm 2016 xếp thứ 14/63, năm 2017 xếp thứ 13/63, năm 2018 xếp thứ 9/63. Chỉ số PCI đạt 65,4 điểm (tăng 0,69 điểm so với năm 2017); xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc so với năm 2017, tăng 42 bậc so với năm 2012.

Có 3/10 chỉ số Hà Nội luôn dẫn đầu xếp hạng cả nước là đào tạo lao động 4/63, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp 5/63, gia nhập thị trường 6/63.

Năm 2018, Hà Nội lọt vào tốp 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước năm 2018. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả cao, đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài năm 2018 (đạt 7,5 tỷ USD).

Hà Nội phấn đấu chỉ số PCI năm 2019 đạt điểm số cao và xếp hạng tăng so với năm 2018, thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2019 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh, xây dựng thành phố thông minh; công khai, minh bạch hóa thông tin, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng về thông tin: quy hoạch, chính sách; thủ tục hành chính...cho công dân, doanh nghiệp.

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, để đạt được các mục tiêu này, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành phố; khuyến khích các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, có sáng kiến, mô hình tốt trong triển khai nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.....

Minh Anh

Top