Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và logistic

13/08/2020 7:41 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội trên thực tế là trung tâm mạnh nhất cả nước về thương mại điện tử, tuy nhiên để phát triển bền vững, Thành phố cần tiếp tục xây dựng một số hạ tầng thương mại điện tử quan trọng để phát triển, đặc biệt là gắn với logistic và thương mại truyền thống. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hà Nội chặt chẽ về vấn đề này.

* Công nghiệp, thương mại giữ vững trong bối cảnh COVID-19

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Gia Huy

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu ý kiến tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương chiều 13/8.

Xây dựng môi trường đầu tư hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp

Nêu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của TP. Hà Nội để giúp Bộ và các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Hà Nội là hình mẫu đưa ra bài học kinh nghiệm về cơ chế chính sách, điều hành, vì vậy, trong chiến lược sắp tới của Hà Nội sẽ phải bao gồm nhiều các nhiệm vụ có vai trò của các Bộ, ngành.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đồng tình với chủ trương định hướng của Thành phố mang tính dài hạn đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045 mang tính chiến lược, khả thi, có tính thực tiễn, cho phép khai thác tốt dư địa và cơ hội đang mở ra cho Hà Nội. Nêu vấn đề về bối cảnh hội nhập sâu rộng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh Hà Nội cần xác định rõ không gian công nghiệp, không gian kinh tế trong các lĩnh vực, mở rộng ra là hệ sinh thái của từng lĩnh vực.

Từ thực tiễn của Hà Nội, một số nhóm giải pháp Bộ trưởng Bộ Công Thương mong muốn Hà Nội tập trung tổ chức triển khai là: Tạo cơ chế chính sách cho nguồn lực phát triển, xây dựng thể chế, môi trường đầu tư hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nhân có năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Để làm được điều này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu 3 yếu tố cần tập trung hoàn thiện sớm: Cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, đây là môi trường tốt để chuyển đổi số trong tương lai; thứ hai là quy hoạch và phát triển hệ thống logistic; thứ ba là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thị trường, trong đó cả hạ tầng năng lượng, giao thông, thương mại...

Về thương mại điện tử và chuyển đổi số, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu thương mại điện tử thực tế đang phát triển nhanh và mạnh, trong khi Hà Nội là trung tâm mạnh nhất cả nước về thương mại điện tử. Tuy nhiên, để phát triển thương mại điện tử bền vững, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng một số hạ tầng thương mại điện tử quan trọng để phát triển, đặc biệt là gắn với logistic và thương mại truyền thống.

Trong chương trình phối hợp hai bên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh sắp tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hà Nội chặt chẽ để phát triển thương mại điện tử trên địa bàn, gắn với liên kết với các vùng khác trên cả nước và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Gia Huy

Hợp tác cụ thể về công nghiệp-năng lượng-thương mại

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu Hà Nội và Bộ Công Thương có 22 nội dung hợp tác cụ thể trên 3 lĩnh vực lớn: Công nghiệp, năng lượng và thương mại.

Trên cơ sở tư duy và tầm nhìn để phát triển ngành công nghiệp, Bộ Công Thương và Hà Nội sẽ xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại, phát triển ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phát vào ngành sản xuất sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao làm cơ sở phát triển kinh tế tri thức. Phấn đấu giai đoạn tới tỷ trọng công nghiệp-xây dựng-thương mại chiếm khoảng 23%.

Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ Hà Nội đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp tại Sóc Sơn, Đông Anh...; phối hợp, hỗ trợ xúc tiến đầu tư FDI vào khu công nghệ cao Hòa Lạc; tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư kinh doanh, ưu tiên dự án sử dụng công nghệ cao mới; hỗ trợ đào tạo nhân lực; phối hợp nâng tầm triển lãm hội trợ ngành công thương.

Về lĩnh vực năng lượng, Bí thư Thành ủy đề nghị Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo, sắp xếp đủ vốn và các nguồn lực do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia. Tổng Công ty Điện lực Thành phố sớm thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư các dự án năng lượng và hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Bộ hướng dẫn và phối hợp thành phố trong thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh bổ sung một số các công trình 120KV, 220KV và quy hoạch phát triển điện lực của giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035.

Bên cạnh đó hướng dẫn Thành phố lập phương án cấp điện theo quy hoạch, hướng dẫn triển khai quản lý quy hoạch, phát triển ngành điện tại địa phương, giải quyết kịp thời vướng mắc trong phát triển điện lực. Thành phố cũng tăng cường phối hợp với Bộ trong chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và bền vững.

Lãnh đạo Bộ Công thương và TP. Hà Nội đã ký kết Quy chế phối hợp. Ảnh: Gia Huy

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Bộ phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình, đề án về khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chủ lực. Hướng dẫn trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Trong lĩnh vực thương mại, Bộ hỗ trợ Thành phố xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phục vụ các sự kiện lớn của thành phố. Hỗ trợ Thành phố triển khai có hiệu quả đề án quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn đến năm 2025; hướng dẫn thành phố trong quá trình nghiên cứu thí điểm triển khai mô hình mới hoạt động logistic. Tổ chức các khoá đào tạo, hỗ trợ kết nối thương mại điện tử với các sàn thương mại lớn trên thế giới, hỗ trợ phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cung ứng sản phẩm hàng hoá. Hỗ trợ Hà Nội trong giới thiệu các sản phẩm OCOP và đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Gia Huy

Top