Hà Nội cần làm gì để cải thiện tình trạng giao thông khi mưa lớn?

16/08/2019 5:52 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, ngập úng cục bộ khi mưa lớn đang có xu hướng gia tăng tại Hà Nội và trở thành chuyện “thường ngày” của Thủ đô trong nhiều năm qua mỗi khi có mưa lớn. Liên quan đến vấn đề này, theo các chuyên gia Viện Chiến lược và phát triển GTVT - Bộ GTVT cần nghiên cứu các giải pháp cấp bách cũng như lâu dài, bền vững đối với thành phố Hà Nội để cải thiện tình trạng giao thông mỗi khi mùa mưa bão đến, tránh xảy ra thiệt hại về người và của.

Nhiều điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn ngập úng nặng khi xảy ra mưa lớn. Ảnh: Internet

Việt Nam được dự báo là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu mà biểu hiện rõ rệt là sự gia tăng của những cơn bão, áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa có lượng ngày càng lớn hơn. Mưa lớn gây ngập đã trở thành vấn đề không còn mới ở Thủ đô Hà Nội. Khi ngập lụt, giao thông Hà Nội bị đình trệ thậm chí tê liệt cả trong và ngoài trung tâm Thành phố. Số điểm ùn tắc gia tăng do ô tô, xe máy chết máy, thậm chí nhiều ô tô đi đến các tuyến phố ngập úng phải quay đầu sang các tuyến phố khác làm nhiều tuyến đường bị tê liệt. 

Hà Nội vẫn ngập úng khi xảy ra mưa lớn

Hà Nội có gần 10 triệu dân với diện tích 3.329 km2 - nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, có địa hình bằng phẳng, độ dốc nhỏ, tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%, độ ẩm trung bình hàng năm là 79% và lượng mưa là 1.800 mm/năm. Hà Nội có mật độ dân số cao, khoảng 2.398 người/km2, cá biệt ở những khu vực trung tâm có mật độ dân số lên tới 40.000 người/km2. Diện tích đất dành cho giao thông chiếm 8.5% diện tích đất xây dựng đô thị.

Hệ thống hạ tầng cấp thoát nước của Thành phố được đầu tư từ dự án thoát nước Hà Nội đã cơ bản hoàn thành, nhưng cả 5 trận mưa từ tháng 7 đến nay tại khu vực nội thành đều dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ tại hầu hết 13 điểm thường xuyên ngập úng như tại phố Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy), phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), ngã tư Liễu Giai – Đội Cấn, phố Nguyễn Chính (quận Hoàng Mai)...

Bên cạnh đó, ngập lụt làm hệ thống đường sá bị hỏng do ngấm nước, xáo trộn đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường đô thị,... Tình trạng mưa lớn cũng làm gia tăng tai nạn giao thông do cây đổ, thụt hố ga...

Hà Nội vừa qua đã có rất nhiều nỗ lực để đưa ra những giải pháp để giải quyết vấn đề giao thông khi mưa lớn, như triển khai các dự án đầu tư thông qua vốn vay nước ngoài, trong đó nổi bật có nguồn vốn ODA của Nhật Bản với dự án “Thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - dự án I và II”. Tuy nhiên, xét theo khách quan, những giải pháp này vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.

Tình trạng ngập úng khu vực đô thị tại Hà Nội khi mưa lớn được đánh giá do nhiều nguyên nhân, xuất phát từ cả ý thức của người dân và năng lực bộ máy quản lý. Tuy nhiên nguyên nhân chính và gốc rễ được đánh giá bắt nguồn từ một lỗ hổng trong quy hoạch, đó là quy hoạch cao độ xây dựng đô thị (hay cốt xây dựng). Ngoài ra, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tình trạng bê tông hóa mặt đất gia tăng 300% trong vòng 20 năm đã làm giảm diện tích cây xanh, diện tích thấm bề mặt; hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, kênh tiêu thoát nước chính bị bồi lắng; nhiều tuyến đường cải tạo không bóc nền đường cũ, xây dựng chồng lên làm thay đổi cốt đường; nhiều tuyến đường bị lún bề mặt đất tương đối lớn.

Một yếu tố gây ngập úng khác liên quan tới tốc độ tiêu thoát nước. Tại một số tuyến phố có lắp đặt hệ thống cống thoát nước nhưng lại có đường kính bé, dẫn tới khả năng tiêu thoát nước kém, khả năng thoát nước chậm. Nội thành Hà Nội chỉ có hệ thống thoát nước lưu vực sông Tô Lịch được cải tạo đồng bộ nên có thể chủ động chống ngập, ba lưu vực còn lại là lưu vực sông Nhuệ, Hà Đông, Long Biên chủ yếu dựa vào tự chảy, nếu mưa to sẽ bị ngập khu vực phía Tây Hà Nội...

Nhiều tuyến đường cải tạo không bóc nền đường cũ, xây dựng chồng lên làm thay đổi cốt đường cũng là nguyên nhân cần chú ý. Tình trạng chênh lệch cao độ nền giữa mặt đường giao thông đô thị với vỉa hè, nền nhà dân khi cải tạo, nâng cấp các trục đường giao thông trong đô thị theo đúng cao trình theo quy hoạch. Hiện tượng lún bề mặt làm khả năng thoát nước bị hạn chế. Lưu lượng nước ngầm được bơm hút theo thời gian ngày càng tăng, thêm vào đó điều kiện địa chất thành phố rất phức tạp, nhiều nơi tồn tại những tầng đất yếu với chiều dày lớn. Kết quả quan trắc tại các trạm đo lún bề mặt đấtcho thấy, tại những trạm có tồn tại lớp đất yếu, tốc độ lún bề mặt đất tương đối lớn như Thành Công là 41,42mm/năm, Ngô Sỹ Liên 31,52mm/năm, Pháp Vân 22,16 mm/năm,...

Ngoài ra, nguyên nhân chính góp phần không nhỏ chính là từ ý thức của mỗi người dân. Người dân thường có những hành vi như xả rác bừa bãi ra đường dẫn đến bít đường ống tiêu thoát nước làm cho tình trạng tiêu thoát nước khó khăn. Thành phố cũng đang trong quá trình phát triển, nhiều công trình đang xây dựng rất nhiều xe cộ vận chuyển các vật liệu xây dựng, khi mưa đến tập trung vào các hố ga cản trở quá trình di chuyển của dòng chảy làm cho tình trạng ngập úng trầm trọng hơn. 

Giải pháp cho giao thông Hà Nội khi mưa lớn

Ý tưởng “lu chống ngập” được đại biểu Hồng Xuân miêu tả là kinh nghiệm từ Nhật Bản, tuy nhiên “lu chống ngập” của Nhật Bản thực chất lại là công trình chống ngập dưới lòng đất rất đồ sộ của đất nước này.

Để chống ngập, chính quyền Malaysia đã tiến hành xây dựng một đường hầm “2 trong 1” với công dụng thoát lũ và phục vụ giao thông. Đường hầm có tên Stormwater Management and Road Tunnel, viết tắt là SMART. Trong điều kiện khô ráo, đường hầm sẽ được sử dụng bình thường để xe cộ lưu thông qua lại. Khi xảy ra tình trạng ngập, các phương tiện sẽ bị cấm đi qua hầm bởi khi đó nó biến thành một con kênh thoát nước để những con đường phía trên không bị ngập.

Tại Singapore, xây hồ tái sử dụng nước và chứa nước mưa là giải pháp đã được thực hiện, thông qua hệ thống sông, cống và kênh, nước mưa ở 2/3 diện tích Singapore được đưa vào 17 hồ chứa để xử lý trước khi đưa vào sử dụng. Trong số này, công trình phức hợp đập - hồ chứa Marina là quan trọng nhất và được thế giới đánh giá rất cao.

Qua đó thấy rằng ngập lụt chắc chắn sẽ xảy ra với các đô thị trên thế giới, đặc biệt là tại các nước hay chịu ảnh hưởng của bão nhiệt đới tại châu Á. Quan trọng là cách xử lý ngập úng của từng thành phố để phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như phù hợp với kinh phí thành phố có thể bỏ ra.

Đối với Hà Nội, bài toán các giải pháp để giải quyết vấn đề giao thông khi mưa lớn không thể trong một sớm một chiều. Nhưng chúng ta cũng cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài để hạn chế hậu quả tối đa.

Về giải pháp trước mắt, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan cần khơi thông cống rãnh, miệng cống trong mùa mưa bão, cùng đó cử nhân viên trực tại các điểm úng ngập để phân luồng giao thông, hạn chế tai nạn, triển khai các máy bơm dã chiến để thoát nước nhanh tại các điểm ngập sâu, sử dụng công nghệ như đài VOV giao thông, google maps để cập nhật các điểm đen ùn tắc, tránh người dân đi vào. Người dân cần nâng cao ý thức hơn như tránh vứt rác bừa bãi, ..., nên cập nhật thường xuyên tình hình mưa lớn, ngập úng trên các phương tiện thông tin để tránh các điểm ngập, tắc.

Về lâu dài, việc tự ý nâng cao kết cấu đường cần được các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ. Đầu tư hệ thống cống hiện đại, hiện đại hóa hệ thống sông hồ, kênh rạch để tăng khả năng thoát nước. Lắp đặt các trạm bơm cố định có công suất lớn để đẩy nhanh tốc độ tiêu thoát nước khỏi nội thành. Tăng khả năng dự báo mưa chính xác để có kế hoạch thoát nước tại các ao, hồ hợp lý. Khi xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, vỉa hè cần sử dụng các vật liệu chống nước, có độ bền cao. Xây dựng các bể chứa nước nhân tạo như công viên thoát nước bên Thái Lan, kết hợp với các ao, hồ hiện tại để chống ngập,.....

Thành phố Hà Nội có thể phân chia từng giai đoạn cụ thể để thực hiện một cách hiệu quả nhất các giải pháp như sau:

Giai đoạn 2019-2024

Cần thực hiện việc không cấp phép cho các dự án nâng cấp, cải tạo đường bộ trong khu vực các quận trung tâm không thực hiện bóc lớp bê tông asphal mặt làm thay đổi cao độ nền;

Xây dựng quy hoạch cao độ nền và quy hoạch thoát nước mặt đô thị đồng bộ với các quy hoạch đô thị khác; 

Nghiên cứu bổ sung quy hoạch thoát nước ngầm, phân vùng thoát nước mới cho Hà Nội kết hợp với khai thác đa năng tuynel ngầm với hệ thống giao thông ngầm như metro, vừa tăng khả năng thoát nước cho trung tâm thành phố, vừa đảm bảo an toàn chống ngập cho hệ thống tàu điện ngầm (Metro);

Tăng cường cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, khơi thông luồng lạch, cống rãnh, lắp đặt máy bơm tiêu thoát; 

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công công tác quản lý hệ thống tiêu thoát nước của thành phố, theo dõi và kịp thời xử lý tình trạng úng ngập; 

Xây dựng bản đồ ngập úng, bản đồ các vùng thấp để có biện pháp đầu tư hạ tầng cơ sở tương ứng; 

Nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi gây tắc nghẽn các hệ thống tiêu thoát nước.

Giải pháp trong giai đoạn sau năm 2024

Đảm bảo các dự án khung kết cấu hạ tầng giao thông phải thực hiện đúng theo Quy hoạch phát triển GTVT (Quy hoạch 519); các dự án cấp thoát nước cần được chú trọng nguồn vốn ưu tiên đầu tư bảo đảm đúng theo tiến độ tại Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội (phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTg); xây dựng chính sách nghiêm minh trong việc thực hiện các quy định về cốt nền khi xây dựng các công trình, khu đô thị trên địa bàn thành phố; không đầu tư, xây dựng các công trình chung cư, nhà cao tầng trong khu vực trung tâm; đề xuất giải pháp thoát nước khu vực Trung tâm; khu trung tâm thoát nước theo hướng từ Tây sang Đông, thu nước theo sông ngầm kết hợp với đường ngầm tuyến metro số 3 (Trôi - Nhổn - Yên Sở); hạ ngầm dự kiến đi từ Kim Mã qua ga Hà Nội chạy dọc phố Trần Hưng  Đạo ra sát sông Hồng (Bệnh viện 108); Dự kiến có tunel đường kính > 10m để đáp ứng 3 nhiệm vụ làm tuyến metro, thoát nước và tuyến ngầm đường ống kỹ thuật.

Trên cơ sở các giải pháp đề xuất, nghiên cứu xây dựng tiến trình thực hiện quy hoạch giao thông nhằm đạt được mục tiêu của nghiên cứu là giải quyết các vấn đề ngập lụt khi mưa lớn tại Hà Nội, đáp ứng được các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn.

TS. Phạm Hoài Chung-Ths. Lê Quang Huy

Viện Chiến lược và phát triển GTVT - Bộ GTVT

Top