Hà Nội chủ động hội nhập kinh tế

08/02/2016 10:15 AM

(Chinhphu.vn) - Toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại. Với vị trí là Thủ đô, trung tâm kinh tế - chính trị của cả nước, TP Hà Nội xác định hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Thủ đô và cả nước.

Cầu Nhật Tân.

Năm 2015 là một năm quan trọng đánh dấu tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu, rộng: Việt Nam kết thúc đàm phán và ký kết 4 FTA đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á Âu và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc. Đây là những hiệp định thương mại thế hệ mới, có những tiêu chuẩn cao và những nội dung mới chưa từng được đề cập trong các thỏa thuận tự do thương mại trước đó. Việc đàm phán và ký kết các FTA với các thị trường lớn tạo ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp và sự quản lý của Nhà nước. 

Trong bối cảnh đó, Hà Nội xác định hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Thành phố đã chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố, doanh nghiệp và sản phẩm; đẩy mạnh triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp; đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường, phát triển thị trường hàng hóa…, nhờ đó, nền kinh tế Thủ đô đã có bước tăng trưởng nhanh, toàn diện.

Giúp doanh nghiệp mở rộng giao thương

Để thúc đẩy triển khai hội nhập quốc tế tại Hà Nội, Thành phố đã ban hành các kế hoạch và triển khai đồng bộ, hiệu quả việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 trên địa bàn Thành phố. Tính đến hết tháng 6/2015, Thành phố đã thu hút được hơn 3.300 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 26,5 tỷ USD từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các dự án đầu tư nước ngoài với ưu thế tiềm lực về vốn, công nghệ đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô: Các doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 15% trong tổng vốn đầu tư xã hội và chiếm khoảng 16,5% cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố; chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong các thành phần kinh tế và duy trì mức ổn định tăng trưởng hàng năm…

 

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2015 ước tăng 9,24%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Quy mô GRDP năm 2015 đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân đầu người 3.600 USD, gấp 1,8 lần so với năm 2010; kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt hơn 11.000 triệu USD, tăng 2,52%. Khách du lịch quốc tế lưu trú tại Hà Nội đạt kết quả khá tốt, ước đạt 2,24 triệu lượt khách, tăng 9,55% so năm 2014.

 

 

Cơ cấu kinh tế Thủ đô tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; các thành phần kinh tế cũng đang dịch chuyển theo hướng giảm dần tỷ trọng kinh tế nhà nước và tăng tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Thành phố luôn chủ động tổ chức các cuộc tiếp xúc, giao ban tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tích cực triển khai chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với các nước, tìm kiếm thêm nhiều thị trường xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ.

Trong năm 2015, Thành phố đã tổ chức các đoàn đi xúc tiến thương mại tại nhiều thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật, các nước Châu Âu, Nam Phi, Trung Quốc, Myamar, Campuchia.... Thông qua các cuộc giao thương, gặp gỡ doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm để cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu của các thị trường nhập khẩu khác nhau trên thế giới. Đến nay, đã có hơn 2.000 doanh nghiệp của thành phố trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Có thể nói, các yếu tố về cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là đòn bẩy quan trọng của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Cần phát huy nội lực, nắm bắt cơ hội đầu tư

Trong thời gian qua, kinh tế Hà Nội đã có bước phát triển nhanh, toàn diện, tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Thủ đô còn gặp một số khó khăn do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, các nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, các doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình tham gia hội nhập, …

Do đó, để đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, năm 2016, Hà Nội sẽ phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu như tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tăng 11 – 12% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8% so với thực hiện năm 2015.                 

Để đạt được mục tiêu đó, Hà Nội sẽ xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2020; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp giúp doanh nghiệp Hà Nội nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường nội địa và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; cung cấp thông tin về các thị trường xuất khẩu, ngành hàng xuất khẩu, những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia để hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước;...

Thực hiện xây dựng và tổ chức triển khai chương trình phát triển các loại hình dịch vụ trình độ cao và nâng cao chất lượng dịch vụ trong hội nhập kinh tế quốc tế như dịch vụ logistics, dịch vụ giám định. sở giao dịch hàng hóa…; thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế mang lại giá trị gia tăng cao.

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2016. Tập trung xây dựng và thực hiện Đề án xuất khẩu của Thành phố Hà Nội thời kỳ hội nhập, định hướng phát triển giai đoạn 2016-2020; triển khai các khóa đào tạo, các lớp tập huấn phổ biến kiến thức cho các doanh nghiệp có biện pháp tích cực, chủ động phòng tránh các hàng rào trong thương mại để tận dụng được các ưu đãi trong cam kết quốc tế; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện các giải pháp đồng bộ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách về thị trường lao động, thị trường tài chính, tiền tệ,...

Từ những cơ chế mở do WTO và các hiệp định tự do thương mại mang lại, Hà Nội cần đi tắt đón đầu để cạnh tranh với toàn cầu bằng nền kinh tế tri thức. Đặc biệt, Thành phố cần phát huy nội lực, nắm bắt cơ hội đầu tư, vượt qua những khó khăn, thách thức để giữ vững vị thế là trung tâm kinh tế - chính trị hàng đầu của cả nước.

Thùy Linh

Top