Hà Nội có thể xác nhận nông, lâm thủy sản an toàn

14/04/2016 2:46 PM

(Chinhphu.vn) - Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội thuộc sở NN&PTNT có thể xác nhận chất lượng của các sản phẩm có nguồn gốc nông, lâm thủy sản. Đây là mô hình đầu tiên của địa phương có thể chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Các cán bộ của Trung tâm xét nghiệm mẫu thực phẩm an toàn - Ảnh Đỗ Hương

Phân vân chất lượng

Tình trạng tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản thực phẩm vẫn còn tồn tại; thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường; ngộ độc thực phẩm tại khu công nghiệp, khu chế xuất, tại các bữa ăn đông người và do độc tố tự nhiên vẫn diễn biến phức tạp; gian dối trong quảng cáo thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng đang gây bức xúc dư luận xã hội. 

Từ thực trạng đó, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm đến những sản phẩm được chứng nhận là thực phẩm sạch, an toàn. Tuy nhiên nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn Thủ đô vừa qua đã khiến người tiêu dùng dường như mất lòng tin vào các thực phẩm được gán mác an toàn, sạch. Sự bấp bênh trong lòng tin của người tiêu dùng khiến nhiều đơn vị sản xuất thực phẩm an toàn chân chính cũng khá khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Văn Tú, đại diện Công ty CP Rau an toàn Hà Nội chia sẻ, người tiêu dùng chưa phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn nên có tâm lý e ngại, không tin tưởng vào sản phẩm rau an toàn. “Chúng tôi từng có một giai đoạn hết sức khó khăn sau những vụ rau sạch, rau bẩn nhập nhèm. Nhiều người nói chúng tôi tự sản xuất tự nói là rau an toàn thì hoàn toàn không có cơ sở”.

Chị Vũ Thị Thu Hường, Giám đốc Siêu thị Hoàng Cầu (Hoàng Cầu, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày trước, siêu thị chúng tôi dự tính sẽ có quầy rau sạch để phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách hàng quen thuộc. Chúng tôi cũng đã có một số đầu mối đến chào hàng và đích thân tôi đã đến một số địa điểm trồng rau sạch trên địa bàn Hà Nội để khảo sát quy trình trồng rau, đóng gói của nông dân ở đây. Song cùng thời điểm ấy, có một số thông tin về nguồn rau bị lấy từ các chợ cóc, từ người bán rong, rau không rõ nguồn gốc xuất xứ gắn mác rau sạch để tuồn vào các siêu thị, cửa hàng rau sạch đã khiến tôi phải suy nghĩ lại”.

Anh Nguyễn Trung, một chủ cửa hàng rau an toàn ở khu đô thị mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Người tiêu dùng thì cũng chỉ biết dùng, chứ không có cách nào để xác minh là rau sạch hay không. Một tờ giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm thì không phải là quá khó để các cơ sở rau an toàn tìm được. Người nhận hàng chỉ biết nhận hàng, chứ ít khi họ kiểm tra nguồn rau cũng như bất cứ nguồn thực phẩm nào khác có thực sự như đã cam kết hay không. Cuối cùng, người thiệt nhất chỉ là khách hàng, trả tiền cao nhưng bù lại, nhận được một thứ không khác gì ngoài chợ cóc hoặc của các bác gánh hàng rong”.

Chứng minh chất lượng bằng khoa học

Tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 5/2014, song Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã từng bước khẳng định được năng lực trong hoạt động kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp và vật tư nông nghiệp.

Đến nay, Trung tâm đã thực hiện được các chỉ tiêu chất lượng, vi sinh, kim loại nặng, chất tồn dư bảo vệ thực vật, kháng sinh, hooc môn tăng trưởng, chất bảo quản, phẩm mầu…trong lĩnh vực nông sản thực phẩm (rau, quả chè, thịt, thủy sản, ngũ cốc, mật ong…), thức ăn chăn nuôi, phân bón, nước, đất.

Năm 2015, Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội duy trì phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn quốc tế ISO 17025:2005 với tổng số chỉ tiêu đã được công nhận là 50 chỉ tiêu trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, nước, đất, thức ăn chăn nuôi.

Với các hoạt động trên Trung tâm đã được Tổng cục Đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động trong lĩnh vực thử nghiệm số 1872/TĐC-HCHQ ngày 30/9/2015 với số đăng ký 185/TN.

Hiệu quả hoạt động của Trung tâm được đánh giá bằng chính lòng tin của người dân và doanh nghiệp. Anh Lê Văn Tú, đại diện Công ty CP Rau an toàn Hà Nội cho biết: “Năm 2014, công ty được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, công ty có điều kiện tăng sản lượng đầu ra. Hiện tại công ty đang cung cấp RAT cho hơn 40 cơ quan, trường học, bếp ăn tập thể… với sản lượng hàng ngàn tấn rau củ quả các loại mỗi năm”.

Theo bà Bùi Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội, đơn vị này đã tổ chức đánh giá cho 23 cơ sở sản xuất rau, quả an toàn có nhu cầu chứng nhận trên địa bàn Hà Nội. Qua đó cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 17 cơ sở đạt yêu cầu, còn 6 cơ sở hiện đang trong thời gian khắc phục các điểm chưa phù hợp. Ngoài ra, Trung tâm còn đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 2 cơ sở chăn nuôi lợn, gà trên địa bàn huyện Thạch Thất và Sóc Sơn. Nhờ đó, bước đầu giúp các cơ sở sản xuất đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc nhấn mạnh, vấn đề ATTP đang đặt ra hết sức nghiêm trọng trong bối cảnh hiện nay. Do đó, thời gian tới, Trung tâm cần tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, kiểm nghiệm viên. Đồng thời duy trì và chuẩn hóa hoạt động kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo cơ sở để xác nhận các sản phẩm an toàn của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng.

Đỗ Hương

Top