Hà Nội: Dự kiến trồng mới hơn 400.000 cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ

15/03/2019 4:06 PM

(Chinhphu.vn) - Trước yêu cầu của TP. Hà Nội về việc trồng thêm 600.000 cây xanh đến năm 2020, Sở Xây dựng đã phối hợp cùng các ngành và UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo thành phố, dự kiến trong năm 2019 trồng mới hơn 400.000 cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ. Trong đó, cấp thành phố dự kiến trồng 240.000 cây, cấp huyện trồng 166.800 cây.

Tuyến đường Điện Biên Phủ mới đây đã được bổ sung cây trồng ở ven đường. Ảnh : Thùy Chi

Thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục cải tạo, trồng bổ sung hệ thống cây xanh trên các tuyến phố cũ nhằm tăng mật độ xanh trong khu vực nội đô.

Sở Xây dựng đang tập trung rà soát, thiết kế cải tạo tổng thể hệ thống cây xanh trục trọng tâm từ Nhà hát Lớn đến dọc các tuyến đường, phố: Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, Độc Lập và Thanh Niên. 

Trong khu vực phố cổ, phố kiến trúc Pháp sẽ có giải pháp trang trí mặt tiền của các tầng trên, kết hợp với bổ sung hoa và cây xanh mặt đứng, bồn cây sát tường công trình... Các khu đô thị mới sẽ được tiếp tục trồng và phát triển hệ thống cây xanh nhằm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và phù hợp với thực tiễn phát triển đô thị. 

Về việc cắt tỉa cây bóng mát tạo cảnh quan đồng bộ trên các tuyến phố, Sở Xây dựng tiếp tục nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật từ các nước tiên tiến trên thế giới để làm căn cứ đề xuất quy trình kỹ thuật cắt tỉa cây xanh. Việc cắt tỉa phải bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn trong mùa mưa bão, hạn chế cây đổ gây nguy hiểm và tạo cảnh quan đồng bộ trên các tuyến đường. 

Tìm chủng loại cây trồng phù hợp với đô thị, Sở Xây dựng đã tham mưu bổ sung vào danh mục một số loài như bàng lá nhỏ, chiêu liêu, sang, lộc vừng, chà là, cọ dầu... Ưu điểm của những loài cây này là thân thẳng, dẻo, phân cành đều, khi rụng lá ít gây ô nhiễm, thích hợp cho việc trồng trên vỉa hè hẹp, trồng dọc theo các tuyến phố. Ngoài ra, các loại cây này đều là những cây dễ trồng, dễ chăm sóc, tuổi thọ cao, lại có rễ chùm, không bị đổ, gẫy trong mùa mưa bão.

Ở các dải phân cách, khu tập thể, kết hợp cây xanh bóng mát với các thảm cỏ trang trí, tăng khả năng thấm thoát nước mưa. Đồng thời, trồng cây tạo cảnh quan, môi trường tại các tuyến trục tỉnh lộ, quốc lộ, các đường vành đai; một số nút giao, khu vực ảnh hưởng của Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, Nam Sơn.

Đối với hệ thống cây xanh cũ trên địa bàn, Sở đang xây dựng phương án cải tạo, trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát tại những vị trí cây chết, hố trống, cây bị sâu bệnh, cây nguy hiểm, cây còi cọc, già cỗi, kém phát triển, cây không đúng chủng loại đô thị... nhằm tạo sự đồng bộ cho cảnh quan khu vực.

Những năm gần đây, thành phố đã trồng thêm nhiều loại cây trên các tuyến phố, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị. Việc trồng cây không chỉ nhằm mục đích tạo bóng mát, nâng cao chất lượng không khí mà còn chú trọng tới sự hài hòa, góp phần làm đẹp thêm các tuyến phố tại Thủ đô Hà Nội.

Thùy Chi

Top