Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút FDI

30/11/2018 11:02 AM

(Chinhphu.vn)-Thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội đạt 6,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước.

Ảnh minh họa

Năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô đã đạt được kết quả nổi bật; môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố được cải thiện rõ rệt, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư trên địa bàn Thủ đô.

Trong đó, kinh tế tăng trưởng khá 8,56% (7,37% theo cách tính mới) - hoàn thành kế hoạch đề ra; Thu ngân sách vượt dự toán; Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 6,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước.

Đáng chú ý, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) công bố tháng 4/2018 đứng vị trí 13/63 (tăng 1 bậc); Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) đứng vị trí 2/63 (tăng 1 bậc) Cải thiện môi trường đầu tư; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt, tiếp tục được quan tâm.

Hội nghị “Hà Nội 2018 - hợp tác đầu tư và phát triển” đã được tổ chức thành công và ngay tại Hội nghị, Thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 397 nghìn tỷ đồng (hơn 17 tỷ USD), trong đó có 11 dự  án đầu tư nước ngoài số vốn 5,428 tỷ USD…

Thành phố cũng đã đẩy mạnh thực hiện mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng; triển khai diện rộng quy trình trả kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà/trụ sở...

Ước tính năm 2018, cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho 25.742 doanh nghiệp với số vốn trên 280 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 255.280 doanh nghiệp.

Kết quả 3 năm 2016-2018, Thành phố thu hút được gần 13,25 tỷ USD, bằng 2,12 lần của cả giai đoạn 2011-2015 và bằng 48,6% của giai đoạn 1986-2015. Trong năm 2018, Hà Nội thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản và lĩnh vực bán buôn, bán lẻ...

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, đây là kết quả của việc Thành phố đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, như thực hiện mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, triển khai diện rộng quy trình trả kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà/trụ sở...

Bên cạnh đó, Thành phố đã tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác quy hoạch đất đai, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trong năm 2019, Thành phố sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng quy mô vốn đầu tư xã hội, (bao gồm đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư công) gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tập trung thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; các trung tâm thương mại, siêu thị; phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị...

Đồng thời, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; rà soát, rút gọn và đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; từng bước hình thành các điều kiện để phát triển Thành phố thông minh.

Đặc biệt, Thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để tiếp tục nâng cao chỉ số PCI, PAPI. Tổ chức thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị sau khi được thông qua, ban hành. Triển khai Đề án xây dựng một số huyện (Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Đông Anh) thành quận vào năm 2020...

Thùy Linh

Top