Hà Nội giải bài toán ùn tắc giao thông

24/10/2018 6:22 PM

(Chinhphu.vn)-Nhiều ý kiến được đưa ra tại buổi tọa đàm như: Cần phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và vận tải công cộng; di dời trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông; hạn chế phương tiện cá nhân; xây dựng văn hoá giao thông trong cộng đồng...

Hà Nội đã xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông hiện đại để tránh ùn tắc

Sáng 24/10, tại Hà Nội, Báo Giao thông đã tổ chức buổi tọa đàm “Giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”. Buổi tọa đàm có sự tham gia các đại biểu đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội, Phòng CSGT Hà Nội, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải và đại diện diễn đàn giao thông OFFB.

Thiệt hại ùn tắc giao thông đối với Hà Nội đang dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm

Đánh giá về hậu quả ùn tắc giao thông đến phát triển KT- XH, ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm Giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển GTVT) cho rằng, tác động của ùn tắc giao thông tới KT- XH rất lớn. Một số nghiên cứu cho thấy về thiệt hại ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm.

Về mặt xã hội, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí IQI gấp hơn 5 lần so với quy định, nồng độ bụi pm2.5 đang gấp khoảng 3 lần. Về thời gian đi lại của người dân thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm. Ngoài ra, môi trường đầu tư và các vấn đề phát triển xã hội khác cũng bị ảnh hưởng.

Theo ông Chung, mấu chốt của vấn đề trên do 4 nguyên nhân chính. Đó là Hà Nội đã đi vào ngưỡng siêu đô thị. Dự báo của một số tổ chức uy tín trên thế giới, vào năm 2030 Hà Nội sẽ có trên 10 triệu dân. Mật độ dân số phân bố không đồng đều tập trung quá đông ở nội đô. Vì thế cần giải pháp căn cơ thành lập đô thị vệ tinh, di chuyển các bệnh viện trường học theo đúng tiến độ…

Thứ hai là tốc độ tăng trưởng phương tiện so với tốc độ tăng trưởng hạ tầng đang bất cập. Hà Nội đang có khoảng 5,5 triệu xe máy gần 500 nghìn ô tô, trong đó trên 327 nghìn ô tô con. Giai đoạn 2010-2017, tốc độ phát triển 10% với ô tô và 8% xe máy. Trong khi tốc độ tăng trưởng diện tích mặt đường chỉ đạt 0,39%/năm, chiều dài 1,3 %.

Thứ ba là vận tải hành khách công cộng vẫn đang kém phát triển, với tỷ lệ đáp ứng khoảng 8-9%. Tuy nhiên, cơ hội phát triển phương tiện này rất khó khăn, chất lượng dịch vụ không đạt như kỳ vọng, khó thu hút được người dân tham gia.

Thứ tư là tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông so với quy chuẩn mới đạt 8,65% trên tổng diện tích đất dành cho đô thị trong khi theo quy chuẩn phải đạt từ hơn 16-26%...

Về vấn đề này, từ góc độ giữ trật tự an toàn giao thông, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội nêu ý kiến, thực trạng giao thông của Hà Nội gần đây diễn biến khá nóng, đặc biệt vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều.

Cơ sở hạ tầng hiện chưa thực sự đảm bảo phục vụ giao thông, nhiều hạ tầng phục vụ vượt thiết kế 6-7 lần. Thực tế tại Việt Nam hiện mới sử dụng 8,65% quỹ đất dành cho giao thông trong khi luật quy định, quỹ đất dành cho giao thông ở các đô thị là 16-26%, các nước tiên tiến quy định 20-25%. Do đó, việc quá tải là điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó, tại một số nút giao, việc phân luồng chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, thời gian qua, mật độ xây dựng chung cư cao tầng khiến mức độ quá tải ngày càng trầm trọng. Việc các phương tiện cá nhân tăng nhanh theo cấp số nhân cũng là nguyên nhân dẫn đến ách tắc. Hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở một số nút giao trên địa bàn Hà Nội chất lượng chưa tốt, nhất là trong điều kiện mưa bão, thời tiết xấu. Việc di dời cơ quan trường học ra ngoại thành theo Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP còn chậm. Ý thức của người tham gia giao thông còn kém, thiếu tự giác. Sự vào cuộc của một số ban ngành còn mang tính hình thức, chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả.

Trước thực trạng và khó khăn như trên, lực lượng CSGT đã nỗ lực thực hiện rất nhiều biện pháp như phối hợp các cơ quan ban ngành đẩy mạnh tuyên truyền; nghiên cứu bố trí lực lượng điều khiển giao thông một cách khoa hoc, hợp lý, hạn chế ùn tắc; đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, tập trung vào các hành vi gây mất ATGT theo chủ đề; phối hợp với sở GTVT khảo sát những bất cập trong tổ chức giao thông để đề xuất các biện pháp phân làn, phân luồng, xóa bỏ các điểm đen TNGT...; nghiên cứu điều chỉnh chu kỳ đèn giao thông cho phù hợp để phòng ngừa ùn tắc giao thông… Tuy nhiên, hiệu quả nhìn từ thực tế chưa cao.

Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và vận tải công cộng

Trước tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội diễn biến rất phức tạp, việc đầu tư phát triển hạ tầng chưa theo kịp, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã có quy hoạch cụ thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2010-2020.

Thời gian qua, thành phố đã triển khai rất nhiều dự án giao thông, trong đó có thể kể đến như: 8 cầu vượt thép để kéo giảm ùn tắc tại các ngã tư trọng điểm. Hà Nội cũng đã và đang triển khai các dự án đường vành đai 1, 2, 3 cả trên cao và dưới thấp, đồng thời đầu tư xây dựng các tuyến đường xuyên tâm để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô, kéo giảm ùn tắc và TNGT.

Hiện cả Bộ GTVT và TP Hà Nội đều đang triển khai một số dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Thủ đô như: Cát Linh - Hà Đông; Nhổn - ga Hà Nội; cùng đang chuẩn bị để triển khai tuyến số 4, 5, kéo dài tuyến số 2 Trần Hưng Đạo - Lý Thường Kiệt và tuyến số 3 từ ga Hà Nội đi Hoàng Mai.

Đồng thời, Bộ GTVT và TP Hà Nội cũng đã triển khai một số dự án cầu lớn như: Nhật Tân qua sông Hồng, Đông Trù qua sông Đuống, mới đây là Văn Lang nối giữa Hà Nội với Phú Thọ…

Theo ông Ngô Mạnh Tuấn, đó là những tuyến đường, cây cầu trên những tuyến huyết mạch, giúp giảm bớt ùn tắc giao thông khu vực nội đô trên địa bàn Thủ đô. Thời gian tới, Bộ và Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện theo quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô để kết nối và giảm áp lực cho các tuyến đường vành đai và xuyên tâm theo chỉ đạo của thành phố.

Ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết thêm, ngoài việc đầu tư cho hạ tầng, thời gian qua Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp khác chống ùn tắc. Đó là triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đúng quy hoạch phê duyệt; tính toán tổng thể lại vận tải hành khách công cộng, tăng cường phương tiện và chất lượng vận tải công cộng để thu hút người tham gia giao thông; rà soát, bổ sung, điều chỉnh tổ chức giao thông lại những vị trí, đoạn đường thường xuyên ùn tắc; tuyên truyền, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm để tạo tính răn đe, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Về giải pháp hiệu quả nhất, Sở GTVT TP đã xác định cần chú trọng phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông và vận tải khách công cộng. Đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm. Đó là những giải pháp trọng tâm nhất để kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Liên quan đến vấn đề này, về phía cảnh sát giao thông, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo quyết liệt việc di dời cơ quan trường học, ra khỏi cơ quan nội thành, hạn chế việc đi xuyên tâm.

Bên cạnh đó, các bộ ban ngành thành phố chỉ đạo các đơn vị nhà thầu sớm hoàn thành các công trình giao thông trên địa bàn thành phố. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để hạn chế phương tiện cá nhân để đảm bảo môi trường, mỹ quan đô thị… Nâng cao chất lượng, đạo đức người lái xe qua công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe.

Đặc biệt, Chính phủ cần áp dụng các biện pháp đảm bảo ATGT trên các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách như gắn máy đo nồng độ cồn (trước hết là trên xe khách), gắn camera giám sát hành trình, trừ điểm trên giấy phép lái xe…

Có lộ trình di dời trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô

TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, người dân luôn mong muốn phương tiện vận tải an toàn, thân thiện môi trường, tiện lợi. Và nhu cầu này sẽ hoàn toàn được đáp ứng nếu có phương tiện vận tải công cộng được thiết kế hợp lý. Tuy nhiên, hệ thống giao thông công cộng hiện nay ở các đô thị của chúng ta không đáp ứng được nhu cầu này.

Do đó, muốn phát triển đô thị hiện đại, chúng ta vừa phải có chiến lược, vừa phải có lộ trình, giải pháp cụ thể từng năm, từng tháng. Cụ thể như, cần phải có lộ trình cụ thể về việc di dời trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô.

Theo TS Trần Hữu Minh, việc thực hiện đề án, chủ trương chuyển khu vực lõi ra các đô thị vệ tinh ngoài Hà Nội hiện đang vướng mắc do chưa tổng thể, đồng bộ. Chẳng hạn, nhà ở phải có hệ thống trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, kết nối phương tiện vận tải công cộng… đi kèm. Tóm lại, trong khu vực trung tâm có gì, các đô thị vệ tinh cũng phải có mới thu hút được nhiều người tự nguyện chuyển đổi.

Vì thế, trước khi xây dựng các đô thị vệ tinh, cần phải tính ngay nhu cầu vận tải công cộng, cách kết nối phương tiện công cộng để chuẩn bị hạ tầng, đáp ứng kịp thời. Nếu chỉ đơn thuần “bê” một số trường đại học ra ngoài mà không có các điều kiện sinh hoạt khác cùng phương tiện vận tải sẽ không thực hiện được.

Bên cạnh đó, cũng cần tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên để khuyến khích những nhóm người sử dụng phương tiện vận tải phi cơ giới như xe đạp, đi bộ… như làn đường riêng, điểm dừng đỗ…

Cũng theo TS Trần Hữu Minh, với phương tiện vận tải cơ giới cá nhân, chúng ta không nên thắt chặt sở hữu cá nhân mà thay vào đó phải tăng cường quản lý việc sử dụng, tránh lạm dụng loại phương tiện này.

“Như Hà Lan là đất nước có tỉ lệ sở hữu ô tô cao nhất thế giới, mỗi gia đình đều có 2-3 ô tô nhưng khi đi làm, đi học họ lại ưa thích sử dụng xe đạp, đi bộ… còn ô tô để đi du lịch, mua sắm vào dịp cuối tuần, lễ Tết”, TS Trần Hữu Minh nêu ví dụ.

Hạn chế phương tiện cá nhân-cần sự chung tay của toàn xã hội

Giải đáp ý kiến về chủ trương đến năm 2030 TP Hà Nội sẽ dừng hoạt động của xe máy vào nội đô, ông Vương Quốc Hùng, admin Diễn đàn OFFB cho biết, để giảm ùn tắc, trước hết cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT của người dân. OFFB sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền pháp luật ATGT, xây dựng văn hoá giao thông trong cộng đồng.

Ông Vương Quốc Hùng cho rằng nên làm sớm thông qua các biện pháp như: hạn chế, thu giữ các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải. Trước mắt, đề nghi cơ quan chức năng xử lý triệt để xe tự chế 3 bánh.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người dân đang sử dụng xe máy để lưu thông và là phương tiện mưu sinh của gia đình, nên khi quyết định cấm, cần có lộ trình và giải pháp nâng cao năng lực vận tải công cộng phù hợp, từ BRT, xe buýt, đường sắt trên cao, metro...

Cũng liên quan đến chủ trương cấm phương tiện cá nhân, ông Vương Quốc Hùng cho biết diễn đàn có làm khảo sát trên số lượng thành viên ở Hà Nội trong 3 năm qua. Năm đầu tiên chỉ 5% số người khảo sát ủng hộ; năm thứ hai lượng người ủng hộ đã lên tới 30%; và năm 2018, số lượng người ủng hộ đã lên đến 50%. Hiện vẫn còn khoảng 50% người phản đối.

Từ kết quả đó cho thấy, người dân đang có sự đồng thuận và ủng hộ chủ trương này ngày càng cao. Đây cũng là giải pháp làm giảm ùn tắc và TNGT tại Thủ đô.

Ông Vương Quốc Hùng nhấn mạnh, Ban quản trị OFFB sẵn sàng hỗ trợ cơ quan chức năng thăm dò, lấy ý kiến người tham gia giao thông, người dân về các chủ trương này.

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Mạnh Tuấn đã nêu những giải pháp để tăng năng lực xe buýt và đường sắt trên cao, khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng thay thế cho phương tiện cá nhân. Ông Tuấn cho biết, theo kế hoạch, năm 2020 Hà Nội sẽ đưa vào khai thác 2 tuyến đường sắt đô thị là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội. Ngay cuối 2018, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào hoạt động; tuyến Nhổn - ga Hà Nội sẽ đưa vào khai thác trước đoạn ga Hà Nội - Cầu Giấy vào năm 2020.

Do một số tuyến đường sắt trên cao liên quan đến nguồn lực, tiến độ có chậm, nên Sở GTVT đang cân đối lại biểu đồ vận tải hành khách công cộng, các tuyến xe buýt. Hiện 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố đều đã phủ sóng xe buýt.

Thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch hạ tầng giao thông, Sở sẽ mở tiếp các tuyến buýt kết nối ngang, buýt mini… để mục tiêu đến năm 2020, hành khách chỉ phải di chuyển tối thiểu 500m là có thể tiếp cận được phương tiện giao thông công cộng. Sở cũng đang cân đối để có phương án tốt nhất bù đắp cho các tuyến đường sắt trên cao chưa đưa vào hoạt động bằng cách sẽ tăng cường các tuyến buýt.

Phối hợp thực hiện tốt Nghị quyết 04 về bảo đảm ATGT đường bộ

Năm 2017, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 04 về các giải pháp tăng cường đảm bảo ATGT đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Ông Ngô Mạnh Tuấn cho rằng, việc giảm thiểu ùn tắc giao thông được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, việc lưu lượng giao thông tăng đột biến khiến hạ tầng không theo kịp, tình trạng ùn tắc vẫn đang diễn biến phức tạp. Hơn nữa, cũng phải thừa nhận, việc quản lý giao thông trên địa bàn Hà Nội vẫn còn những bất cập cần phải điều chỉnh trong thời gian tới.

Để có giải pháp tổng thể đảm bảo ATGT, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường, Sở GTVT Hà Nội được  giao xây dựng đề án từ năm 2017 đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Sở đã nghiên cứu, xin ý kiến của các đơn vị liên quan và đề xuất đề án được HĐND TP. Hà Nội thông qua tại kỳ họp vào tháng 7/2017 tại Nghị quyết 04.

Việc triển khai Nghị quyết này phù hợp với các nội dung, chương trình của thành phố đưa ra nhằm giảm thiểu ùn tắc, phát triển cơ sở hạ tầng. Mục tiêu và chủ trương của thành phố là đến năm 2030 phải xây dựng được thành phố văn minh, hiện đại, không còn ùn tắc giao thông.

Sau đó, Sở đã tham mưu trình TP. ban hành kế hoạch 212/2017 để triển khai thực hiện Nghị quyết 04 với 6 giải pháp. Đó là giải pháp quản lý phương tiện giao thông; tăng cường quản lý nhà nước về GTVT; giải pháp về phạm vi hoạt động các phương tiện giao thông; nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; giải pháp về công tác tuyên truyền.

6 giải pháp này thực hiện trong 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2017-2018, tập trung thực hiện giải pháp tăng cường quản quản lý phương tiện giao thông và quản lý nhà nước về GTVT; từ năm 2017 -2030 từng bước hạn chế hoạt động của một số phương tiện trong một số khu vực; và từ năm 2030 là cấm xe máy trên địa bàn một số quận trung tâm.

Riêng về giải pháp áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông, Sở đã thành lập trung tâm quản lý giao thông công cộng thông minh trên địa bàn thành phố để tập trung điều hành toàn bộ công tác ATGT, phân luồng giao thông, ùn tắc giao thông… Năm 2019, tất cả các hệ thống camera, tổ chức giao thông, phân luồng, xây dựng bản đồ số giao thông sẽ được xây dựng và áp dụng.

Tân Văn

Top