Hà Nội: Hỗ trợ kiến thức cho doanh nghiệp trong hội nhập CPTPP

13/03/2019 10:23 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 12/3, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức tập huấn “Phổ biến Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP”, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội cập nhật thông tin về chính sách pháp luật mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được phê chuẩn và có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Với tinh thần khẩn trương thực hiện các cam kết tại Hiệp định, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP.

Tại buổi tập huấn, lãnh đạo phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã thông tin tới các doanh nghiệp về các nội dung như: Hướng dẫn tra cứu quy định về xuất xứ hàng hóa tại Hiệp đinh CPTPP và tại Thông tư số 03/2019/TT-BCT; các quy định về xuất xứ trong CPTPP được nội luật hóa tại Thông tư số 03/2019/TT-BCT; nội dung Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP;...

Theo đó, Thông tư 03 có 5 chương, 33 điều và 9 phụ lục kèm như sau: Quy định chung; quy tắc chung về xuất xứ hàng hóa; quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa; quy định riêng về hàng dệt may và các điều khoản thi hành… Thông tư 03 có hiệu lực từ ngày 8/3/2019. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong CPTPP cũng sẽ được cấp kể từ ngày 8/3.

Đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư 03 có hiệu lực, các cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ xem xét cấp C/O CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của hiệp định và theo quy định của nước thành viên nhập khẩu. Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu CPTPP cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định tại CPTPP.

Lãnh đạo phòng Xuất xứ hàng hóa cho hay, so với các FTA Việt Nam đã ký và tham gia, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP có một số điểm mới về quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo. Về công thức tính hàm lượng giá trị khu vực (viết tắt RVC) gián tiếp và RVC trực tiếp hay tiêu chí hàm lượng nội địa, còn có thêm công thức tính RVC theo giá trị tập trung và công thức RVC theo chi phí tịnh chỉ áp dụng cho ô tô và phụ tùng xe ô tô...

Cũng như các FTA khác, CPTPP cũng cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trong quá trình thực thi cam kết từ các FTA và CPTPP, doanh nghiệp  có quyền lựa chọn FTA hoặc CPTPP nếu có mức thuế thấp hơn. Giữa các quy tắc xuất xứ từ FTA và CPTPP, doanh nghiệp có thể xem xét kỹ nếu quy tắc nào phù hợp với quy trình sản xuất hơn, dễ cung cấp chứng từ hơn thì nên lựa chọn để khai theo mẫu đó.

Để tận dụng lợi thế của CPTPP, đại diện các cơ quan chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp phải hiểu về CPTPP, nắm kỹ thông tin, xác định rõ ta có thế mạnh gì và thị trường trong CPTPP có đặc điểm gì để đánh đúng thị trường. Đáng chú ý, để được hưởng ưu đãi thuế quan đối với các FTA nói chung và CPTPP nói riêng, các doanh nghiệp phải nắm thật kỹ các quy định về xuất xứ hàng hóa.

Do đó, các doanh nghiệp nên thường xuyên tìm hiểu, thực hiện các quá trình đảm bảo về yêu cầu xuất xứ hàng hóa, cũng như các hồ sơ, giấy chứng nhận theo quy định của nước nhập khẩu để được hưởng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong những năm tiếp theo.

Thùy Linh

Top