Hà Nội hợp tác với TP.HCM và Lâm Đồng tiêu thụ nông sản

06/06/2016 2:44 PM

(Chinhphu.vn)- Sở NN&PTNT Hà Nội vừa làm việc và trao đổi kinh nghiệm về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng. Đây là hai địa phương có nhiều tiềm năng hợp tác với Hà Nội trong liên kết tiêu thụ nông sản.

Hà Nội hợp tác với TP.HCM và Lâm Đồng tiêu thụ nông sản - Ảnh minh họa

Trên địa bàn TP.HCM có 91 xã, phường sản xuất rau với diện tích canh tác 3.486 ha với sản lượng đạt 263.443 tấn/năm, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng của thành phố, còn lại 80% cung cấp từ các tỉnh khác và nhập khẩu.

Hiện nay, thành phố có 3.325,6 ha xác định đủ điều kiện sản xuất rau an toàn (RAT) với sản lượng 251.082,8 tấn/năm.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích canh tác rau 57.000 ha. Nếu so với năm 2010 diện tích tăng 28,5%, sản lượng tăng 58,3%. Trong đó, diện tích sản xuất rau được cấp chứng nhận VietGAP hơn 1.310 ha, chiếm 10,64% diện tích; diện tích gieo trồng rau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao 12.655 ha.

Sản phẩm rau chủ lực gồm 3 nhóm rau chính: Rau ăn lá, rau ăn củ, rau ăn quả và hoa; rau ăn lá như cải thảo, xà lách, bó xôi, cải bắp, hành tây... chiếm khoảng 48% diện tích gieo trồng; rau ăn củ như khoai tây, cà rốt, hành tây, củ cải, su hào... chiếm khoảng 20 diện tích gieo trồng; rau ăn quả và hoa như su su, cà tím, cà chua, mướp đắng, dưa leo, ớt ngọt... chiếm khoảng 32% diện tích gieo trồng.

Khảo sát và làm việc với cơ quan, đơn vị của hai địa phương, Sở NN&PTNT Hà Nội nhận thấy, tỉnh Lâm Đồng có đất đai, khí hậu thuận lợi cho sản xuất rau, hoa quanh năm, nhất là phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thuận lợi và có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh rau an toàn theo chuỗi. Còn TP.HCM có thuận lợi quản lý các chủ vựa rau bán buôn tại các chợ đầu mối.

Đồng thời có chính sách đầu tư hỗ trợ cho tỉnh Lâm Đồng trong việc kiểm soát sản xuất, cung cấp rau an toàn. TP.HCM có diện tích sản xuất rau thấp (bằng 10% so với Lâm Đồng), quy mô và mức độ phải đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ lớn nhưng diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thấp, có rất ít doanh nghiệp đầu tư sản sản xuất, kinh doanh rau an toàn theo chuỗi…

Từ thực tế, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất, UBND TP Hà Nội đầu tư xây dựng chợ đầu mối, chợ dân sinh bố trí điểm, cửa hàng bán hàng RAT; ban hành quy định chủ kinh doanh tại chợ đầu mối phải chứng nhận kinh doanh RAT để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đồng thời đề nghị bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường và chính sách đặc thù cho Hà Nội hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ RAT…

Theo Hanoi Potal

Top