Hà Nội là địa phương luôn đi đầu cả nước về phát triển nhà ở

10/07/2019 12:02 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù còn có nhiều khó khăn, vướng mắc trong chương trình phát triển nhà ở, nhưng những kết quả thực hiện chương trình này thời gian qua khá khả quan. Dự kiến, Hà Nội sẽ đạt mục tiêu diện tích bình quân đầu người theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 đã đề ra.

* Cần nhiều cơ chế để phát triển nhà ở xã hội

* Đủ quỹ nhà tái định cư cho các dự án lớn

* Hà Nội sắp có hơn 1.000 căn nhà ở xã hội giá 8 triệu đồng/m2

Năm 2018, Thành phố đứng đầu cả nước với kết quả hoàn thành 315 nghìn m2 sàn, với 3.150 căn hộ, chiếm hơn 70% quỹ nhà ở xã hội xây dựng mới của cả nước - Ảnh: Minh Anh

Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 19/6/2014và Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6336/QĐ-UBND ngày 28/11/2014 về việc đặt mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở xây dựng mới là 6,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (trong đó gần 977 nghìn m2 sàn nhà ở sinh viên; hơn 567 nghìn m2 sàn nhà ở công nhân; 4,6 triệu m2 nhà ở thu nhập thấp (phục vụ cho 10 đối tượng theo Điều 49 của Luật Nhà ở). 1,2 triệu m2 sàn nhà ở phục vụ tái định cư; 20,4 triệu m2 sàn nhà ở thương mại; chỉ tiêu diện tích bình quân đầu người toàn Thành phố là 26,3 m2/người (khu vực đô thị đạt 29,1 m2/người; khu vực nông thôn đạt 22,1 m2/người). Nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn Thành phố lên 91,2%; hoàn thành xóa nhà tạm, nhà đơn sơ.

Thực hiện các mục tiêu này, thời gian qua, Hà Nội đã quyết liệt trong chỉ đạo điều hành các sở, ngành kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở. Việc phát triển diện tích sàn xây dựng mới theo kế hoạch trên địa bàn Hà Nội đã đạt được những kết quả khả quan. Đến nay, kết quả phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố đã hoàn thành và có khả năng hoàn thành đến năm 2020 đạt gần 3,6 triệu m2 sàn, đạt tỷ lệ 68,25%.

Như vậy, so với mục tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đã được duyệt thì từ nay đến năm 2020 Thành phố cần phát triển bổ sung khoảng 1,6 triệu m2 sàn.

Hiện nay, ngoài các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch, hình thành khu nhà ở xã hội theo mô hình tập trung, kiểu mẫu, tháng 8/2016, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố đã báo cáo, được Thành ủy Hà Nội đồng ý thông qua chủ trương quy hoạch 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích 298,64 ha đất và giao các nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, có 305 nghìn m2 sàn nhà ở phục vụ tái định cư đã hoàn thành. Đến năm 2020, dự kiến có 980 nghìn m2 sàn hoàn thành.

So sánh với mục tiêu theo Kế hoạch giai đoạn 2016-2020 (1,2 triệu m2), Thành phố dự kiến hoàn thành vượt mục tiêu gần 86 nghìn m2 sàn. Ngoài ra, sau khi Thành phố áp dụng chính sách hỗ trợ bằng tiền để người dân tự lo tái định cư, bình quân có trên 70% số hộ dân tại các dự án GPMB đã nhận tiền hỗ trợ, tự lo nơi tái định cư.

Về kết quả phát triển nhà ở thương mại, từ năm 2016 đến nay, có 8 triệu m2 sàn đã hoàn thành (157 dự án). Đến năm 2020, dự kiến có 14 triệu m2 sàn hoàn thành (gồm: 9,6 triệu m2 sàn của 132 dự án đã xong GPMB, đang thi công xây dựng trong tổng số 135 dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư; 4,4 triệu m2 sàn của 91 dự án cơ bản đã xong GPMB, đang thực hiện quyết định chủ trương đầu tư). So sánh với mục tiêu theo Kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Thành phố Hà Nội dự kiến hoàn thành vượt mục tiêu khoảng 2,3 triệu m2 sàn.

Tính đến 30/6/2019, diện tích nhà ở bình quân toàn Thành phố đạt 26 m2/người.

Thành phố Hà Nội cũng đã hoàn thành mục tiêu chất lượng nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn đến năm 2020, nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn Thành phố lên 91,2%.

Với kết quả phát triển nhà ở đã đạt được, Thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ đạt hoặc vượt mục tiêu diện tích bình quân đầu người theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 đã đề ra.

Hà Nội là địa phương luôn đi đầu cả nước về phát triển nhà ở

Tổng kế về chương trình phát triển nhà ở, Hà Nội đã có bước đột phá về giải pháp giải quyết nhu cầu về quỹ nhà phục vụ nhu cầu tái định cư GPMB các dự án, công trình hạ tầng trọng điểm.

Cụ thể, UBND Thành phố đã chủ động đề xuất Thành ủy, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện cơ chế chính sách đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại tạo lập quỹ nhà tái định cư; đồng thời ban hành Quyết định phê duyệt mức hỗ trợ cho các đối tượng tự lo tái định cư bằng tiền đối với các dự án có chính sách bố trí nhà tái định cư trên địa bàn Thành phố (trong 2 năm 2017 và 2018 đã có 755 trường hợp nhận tiền tự lo nhà tái định cư).

Từ năm 2016, Thành phố Hà Nội đã có quỹ hỗ trợ, đầu tư phát triển nhà ở xã hội từ nguồn tiền thu được tại các dự án nhà ở thương mại thực hiện theo phương thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất ở của dự án để phát triển nhà ở xã hội (hiện đã có 2.050 tỷ đồng nộp ngân sách để phát triển nhà ở xã hội).

Tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án nhà ở trên địa bàn Thành phố Hà Nội chiếm khoảng 96,55% trong tổng số 77,5 nghìn căn nhà ở đã hoàn thành trong giai đoạn 2016-2018 (với 74,8 nghìn căn chung cư, 2,6 nghìn căn nhà thấp tầng), do đó đạt mục tiêu theo Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố đã đề ra (đạt 90% nhà ở chung cư trong các dự án nhà ở tại đô thị).

Đến 31/12/2018, theo tổng hợp kết quả của các quận, huyện, thị xã thì Thành phố Hà Nội đã xóa bỏ nhà ở tạm, nhà đơn sơ và tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn Thành phố đạt 93,76%, trong đó tỷ lệ nhà ở kiên cố tại khu vực đô thị đạt 95,68% và khu vực nông thôn đạt 91,62%.

Như vậy, Hà Nội đã hoàn thành sớm mục tiêu về chất lượng nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở của giai đoạn đến năm 2020 của Thành phố đã được duyệt (hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà đơn sơ; tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn Thành phố đạt 91,2%) và theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2127/2011/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 (xóa hết nhà ở đơn sơ; tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt 70%, trong đó tại đô thị đạt trên 70%, tại nông thôn đạt 65%).

Thành phố đã chú trọng đặt ra một số yêu cầu cụ thể để đảm bảo việc xây dựng nhà ở phải đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, chỗ để xe, cấp điện, cấp - thoát nước...), hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, y tế, sinh hoạt cộng đồng,...). Theo đó, Thành phố đã yêu cầu các nhà đầu tư phải đảm bảo đủ chỗ để xe cho bản thân công trình và phục vụ nhu cầu của khu vực (như yêu cầu tối thiểu phải có 3 tầng hầm), yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng chung của Thành phố theo hướng văn minh, hiện đại…

Năm 2018, Thành phố đứng đầu cả nước trong việc phát triển nhà ở xã hội với kết quả hoàn thành 315 nghìn m2 sàn, với 3.150 căn hộ, chiếm hơn 70% quỹ nhà ở xã hội xây dựng mới của cả nước.

Đôn đốc hoàn thành các mục tiêu về phát triển nhà ở

Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung đôn đốc chủ đầu tư báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo Luật Đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để Thành phố sớm đầu tư hoàn thành 2,9 triệu m2 sàn tại các dự án đang triển khai để bổ sung vào quỹ nhà ở xã hội của Thành phố giai đoạn 2016-2020 (gồm: 4 dự án nhà ở công nhân; 23 dự án nhà ở xã hội; 1 dự án nhà ở thương mại dành quỹ sàn nhà ở xã hội; 99 dự án nhà ở thương mại thực hiện phương thức nộp tiền).

Thực hiện đồng bộ các giải pháp dưới đây để bổ sung khoảng 1,67 triệu m2 sàn còn thiếu so với Kế hoạch giai đoạn 2016-2020 đã được duyệt. Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy nhanh việc 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung, bổ sung một phần diện tích sàn nhà ở vào quỹ nhà ở xã hội của Thành phố.

Đối với các dự án khu nhà ở, khu đô thị đã giao chủ đầu tư trước đây không bố trí nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai thi công xây dựng, nay điều chỉnh quy hoạch thì phải thực hiện việc phát triển nhà ở xã hội.

Hà Nội cũng sẽ ưu tiên dành quỹ đất 20%, 25%, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn từ trước tới nay do Thành phố đang quản lý để tổ chức lựa chọn Chủ đầu tư trong năm 2019 (trong đó cho phép chỉ định chủ đầu tư đối với trường hợp nhà đầu tư là chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở đã tạo ra khu đất đó theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ) để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, không chuyển sang mục đích khác.

Để phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở thương mại, Hà Nội sẽ tập trung đôn đốc chủ đầu tư báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo Luật Đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đang triển khai, nhất là các dự án đã xong GPMB hiện đang thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng thời tiếp tục tuyên truyền về chính sách hỗ trợ tự lo tái định cư của Thành phố, tạo điều kiện cho các hộ gia đình nhận hỗ trợ bằng tiền để tự lo nhà ở tái định cư.

Minh Anh

Top