Hà Nội nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

01/01/2019 8:08 AM

(Chinhphu.vn) – Với chủ đề năm 2018 "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” đảm bảo thiết thực và thực hiện hiệu quả trong đời sống KT-XH, ngay từ đầu năm, Hà Nội đã xây dựng, ban hành Chương trình hành động số 34/CTr-UBND với 188 nhiệm vụ cụ thể cập nhật kịp thời các nhiệm vụ của Trung ương và Thành phố; các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời chỉ đạo triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm đem lại kết quả rõ nét trong phát triển KT-XH.

Theo hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi của Văn phòng Chính phủ, trong tháng 12/2018 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội 04 nhiệm vụ; lũy kế từ ngày 01/01/2018 đến ngày 25/12/2018 tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố là 233 nhiệm vụ. Đến nay, 182 nhiệm vụ đang trong hạn thực hiện, 40 nhiệm vụ đã hoàn thành, 11 nhiệm vụ đã quá hạn chưa hoàn thành, đang được UBND Thành phố tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 05/01/2019.

Trong tháng 12/2018, UBND thành phố Hà Nội đã nhận được 165 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; lũy kế từ 01/01/2018 đến 25/10/2018, UBND thành phố Hà Nội đã nhận được 1.860 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ về thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại nhiều hội nghị, cuộc họp về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.

Các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp xử lý, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành triển khai thực hiện, đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tính đến nay, cơ bản các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được triển khai thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ.

Đạt nhiều kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, năm 2018, tất cả 20 chỉ tiêu Thành phố đặt ra đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó, thu ngân sách vượt dự toán; 08 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu tăng 21,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm 0,3%, kế hoạch giảm 0,1%;  tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,18%, kế hoạch 62,0%; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 90 trường, kế hoạch tăng thêm 80 trường; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 55,5%, kế hoạch là 55%; số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 30 xã, kế hoạch tăng thêm 26 xã; giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước 0,5%, kế hoạch giảm 0,4%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,5%, kế hoạch 83,5%.

Trong năm nay, kinh tế tiếp tục phát triển toàn diện, các cân đối lớn được đảm bảo, đáp ứng nguồn lực cho phát triển, các khoản chi ngân sách được tái cơ cấu theo hướng tiếp kiệm chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 50,8%. Tổng đầu tư xã hội đạt 340,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% (kế hoạch là 10,5-11%). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, lần đầu tiên Hà Nội dẫn đầu cả nước sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao, đạt 21,6% (kế hoạch là 7,5-8%) vượt khá xa so với tốc độ tăng của nhập khẩu (8,2%).

GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 4.080 USD/người, gấp 1,12 lần năm 2015. Các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, xây dựng tiếp tục phát triển. Khách du lịch quốc tế đạt 5,74 triệu lượt, tăng 16%, về đích trước 02 năm so với mục tiêu đặt ra (5,7 triệu lượt vào năm 2020). Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất tiếp tục được khuyến khích phát triển.

Môi trường đầu tư, kinh doanh, các chỉ số PCI, PAR Index được cải thiện rõ nét. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh tiếp tục được quan tâm. Thực hiện mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng; Triển khai diện rộng quy trình trả kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà;... Doanh nghiệp tiếp tục phát triển, năm 2018 ước cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho 25,7 nghìn doanh nghiệp, lũy kế hết năm 2018 đạt 255,28 nghìn doanh nghiệp.

Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị được tăng cường

Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, tỉ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án đến nay đạt 83%, theo diện tích đạt 86%.

Hạ tầng khung được quan tâm đầu tư; trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo: Đưa vào sử dụng cầu vượt An Dương; thông xe giai đoạn 1 đường trục phía Nam; khởi công đường vành đai 2 Cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở; phối hợp Bộ Giao thông vận tải đưa vào vận hành cầu Văn Lang, cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.

Các dự án cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải được đẩy nhanh tiến độ. Hoàn thành đưa vào vận hành khai thác Nhà máy nước Bắc Thăng Long và Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1. Tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được cấp nước sạch đến cuối năm 2018 dự kiến đạt 55,5%, vượt kế hoạch (55%).

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đảm bảo chiếu sáng, mở rộng diện tích trồng cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục được duy tu, duy trì tốt. Năm nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu trồng 1 triệu cây xanh, về đích sớm 02 năm mục tiêu Chương trình trồng 1 triệu cây xanh.

Quản lý trật tự xây dựng được chỉ đạo quyết liệt. Phát triển nhà ở được quan tâm; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc công tác quản lý nhà chung cư. Rà soát, xây dựng thí điểm cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư. Đã bố trí 4.361 căn hộ - cơ bản đáp ứng đủ quỹ nhà tái định cư cho các dự án công trình trọng điểm, đường vành đai và đường sắt đô thị. Thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình, đề án khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường.­

Về xây dựng nông thôn mới theo Chương trình của Chính phủ, trong năm 2018, Hà Nội đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô; đời sống người nông dân được nâng cao. Dự kiến tỷ lệ xã NTM đạt 83,9% - về đích sớm 2 năm so với mục tiêu Đại hội (80%). Có thêm 04 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn huyện nông thôn mới (Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ). Thu nhập bình quân dự kiến đạt 46 triệu đồng/ người/năm (Năm 2017 là 42,84 triệu đồng).

Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao rõ rệt

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, trong năm nay, công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng hướng tới mục tiêu thành phố thông minh. Tính đến nay, Hà Nội đã đưa vào vận hành hệ thống phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 55%. Các hoạt động truyền thông được tiếp tục quan tâm.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội được đẩy mạnh. Văn hóa đọc tiếp tục được triển khai hiệu quả với nhiều hoạt động trong và ngoài nước. Các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao được tổ chức an toàn, hiệu quả. Tổ chức, phối hợp tổ chức 122 sự kiện văn hóa, lễ hội tại khu vực không gian tuyến phố đi bộ. Thể thao thành tích cao tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Tổ chức thành công lễ công bố đăng cai Giải đua xe Công thức 1. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII.

Giáo dục và đào tạo tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu về chất lượng; việc thiếu trường, lớp cục bộ được quan tâm khắc phục. Thi và tuyển sinh lớp 10 chuyên, không chuyên và hệ song bằng được tổ chức an toàn, hiệu quả, phân luồng học sinh hợp lý; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đảm bảo đúng quy định. Thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về cả số lượng và chất lượng. Khoa học và công nghệ tiếp tục được quan tâm; nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh.

Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được cải thiện; đưa nhiều kỹ thuật cao vào chẩn đoán và chữa bệnh; an sinh xã hội được đảm bảo; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,16% - hoàn thành sớm 02 năm mục tiêu nhiệm kỳ (1,2%). Nếu không tính hộ nghèo hưởng chính sách BTXH, tỷ lệ còn dưới 0,6%. Đã hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 4.162 nhà ở cho hộ nghèo, vượt 2,8% kế hoạch. Xây dựng và thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình về lao động, việc làm.

Lựa chọn đúng và trúng chủ đề năm 2018 "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị", năm nay, vấn đề cải cách hành chính trên địa bàn Hà Nội đã được đẩy mạnh; kỷ cương hành chính được củng cố; chất lượng thực thi pháp luật được nâng cao. Chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch công tác, nhất là thực hiện tốt năm "Dân vận chính quyền". Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục được quan tâm. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Các lĩnh vực khác tiếp tục thực hiện tốt theo kế hoạch, chương trình đã đề ra.

Tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng và phát triển

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Tiếp tục tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; đảm bảo an sinh xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, từng bước xây dựng thành phố thông minh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật. Quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp.Củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Theo đó, Hà Nội đề ra 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó bao gồm nhiệm vụ tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND Thành phố. Tăng cường công tác phối hợp, giám sát chặt chẽ, hiệu quả giữa UBND Thành phố và Thường trực HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố, các Ban của HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên.

Minh Anh

Top