Hà Nội phải là một không gian sáng tạo lớn

11/10/2018 2:17 PM

(Chinhphu.vn) - Việc phát triển các không gian sáng tạo là một trong những ngành mũi nhọn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội, nhằm từng bước đạt được mục tiêu Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước.

Không gian buổi chiếu phim của CLB Điện ảnh Kiến trúc tại Heritage Space. Ảnh: Heritage Space

Tại hội thảo “Phát huy tiềm năng, thế mạnh của các không gian sáng tạo trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô Hà Nội thời kỳ hội nhập và phát triển” tổ chức sáng nay (11/10), các chuyên gia, các nhà văn hóa... đã cùng làm rõ khái niệm, vai trò, vị trí, những thời cơ, thách thức của các không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô hiện nay.

Theo đơn vị tổ chức là Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, không gian sáng tạo là một thuật ngữ hiện nay đã trở nên quen thuộc và đang mở ra ngày một nhiều tại Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Sự phát triển đó góp phần tạo nên bức tranh kinh tế sáng tạo- một xu hướng toàn cầu trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Với tính chất giao thoa giữa văn hoá và kinh tế của các mô hình; là nơi hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong lĩnh vực sáng tạo văn hoá, do vậy việc mở đường, tạo điều kiện để các không gian sáng tạo hoạt động hiệu quả là góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ đã ban hành.

Hội thảo “Phát huy những tiềm năng, thế mạnh các không gian sáng tạo trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô thời kỳ hội nhập và phát triển” nhằm trao đổi thông tin, gợi mở sáng kiến để từng bước đạt được mục tiêu “Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hoá lớn của cả nước; trở thành Thành phố Sáng tạo và hướng tới có vị trí quan trọng của Khu vực và Châu Á”.

Lựa chọn trọng tâm, xây dựng chính sách hỗ trợ sáng tạo

Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB Doanh Nhân Sáng Tạo (VCE Club), những nỗ lực gần đây cho thấy Hà Nội đang có định hướng phát triển thành một thành phố sáng tạo, một không gian mở cho các ngành công nghiệp sáng tạo, với sự phát triển đa dạng của các không gian sáng tạo thực thể và cả trên không gian mạng

Những thách thức của không gian sáng tạo Hà Nội được ông Lê Quốc Vinh cho rằng, Hà Nội là trung tâm văn hoá của cả nước, điều đó không cần phải bàn. Nhưng lựa chọn những ngành nghề nào làm nền tảng phát triển cho công nghiệp văn hoá - công nghiệp sáng tạo thì cần phải nghiên cứu nghiêm túc và đa chiều.

Các không gian sáng tạo ở Hà Nội hiện đang tập trung vào các lĩnh vực như sau: Các không gian làm việc chung, chủ yếu thu hút các lĩnh vực thiết kế, phần mềm, truyền thông, quảng cáo; các không gian hỗ trợ nghệ thuật như Manzi, Heritage Space; các không gian sáng tạo chuyên ngành như DocLab cho điện ảnh, VR Zone cho công nghệ thực tại ảo, Vicas Art Studio cho hội hoạ và tạo hình…

Ngoài ra, có một số không gian sáng tạo khác, chỉ tồn tại dưới dạng các nhóm cá nhân hoạt động nghệ thuật, không hoạt động ổn định, thường được dựng lên theo nhu cầu sáng tác của một hay một nhóm tác giả, tại một địa điểm không thường xuyên và có thể di chuyển.

Ông Lê Quốc Vinh cũng chia sẻ, nếu Hà Nội lựa chọn thiết kế là một ngành sáng tạo then chốt thì không thể không có những liên hoan hoặc triển lãm thiết kế ở quy mô lớn. Nếu Hà Nội chọn âm nhạc như là một tâm điểm của công nghiệp văn hoá thủ đô thì cần nhiều hơn các liên hoan Gió mùa, các chương trình nghệ thuật đỉnh cao như London Symphony Ochestra, như liên hoan âm nhạc thể nghiệm…

Hà Nội cần giải bài toán kinh tế, thị trường bằng quá trình thiết kế trải nghiệm mới cho khách hàng, tạo ra nhu cầu, tiếp thị và bán các sản phẩm văn hoá – sáng tạo đến đúng đối tượng của mình. Bản thân ngành công nghiệp sáng tạo ở đây phải được coi như một doanh nghiệp quy mô lớn, phải đi tìm thế mạnh riêng, phải đưa ra thị trường loại sản phẩm mà khách hàng cần, và trên hết, phải tạo ra được nhiều trải nghiệm để khách hàng hiểu, thấm và yêu quý các sản phẩm đó.

Theo ông Lê Quốc Vinh, Hà Nội đã có rất nhiều không gian như Phố đi bộ Hồ Gươm, Phố sách 19/12, Hoàng Thành Thăng Long, Công viên Lý Thái Tổ, Công viên Thống Nhất, các sân vận động, các nhà bảo tàng, nhà văn hoá … Chỉ cần tạo chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người làm nghề sáng tạo có cơ hội khai thác các tiện ích này thường xuyên và liên tục thì rất dễ tạo ra không khí văn hoá, nghệ thuật bao trùm thành phố. Hà Nội cần nghiên cứu và chọn lựa trọng tâm, và xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người làm sáng tạo.

Chia sẻ của Giám đốc nghệ thuật của Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Heritage Space hướng tới cách thức vận hành như một cổng kết nối đa-liên ngành của nhiều lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, trực tiếp tham gia vào kiến tạo văn hóa của ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam. Hoạt động nổi bật nhất của Heritage Space vẫn là dự án Trao đổi Nghệ thuật Quốc tế hàng năm với tên gọi Tháng thực hành Nghệ thuật (MAP).

Nhiều nghệ sỹ trẻ trong nước đã được hưởng lợi từ quá trình làm việc, học hỏi và trưởng thành khi tham dự MAP. Không chỉ chú trọng phát triển Nghệ thuật, Heritage Space còn đóng vai trò quan trọng trong truyền bá tri thức, các hoạt động giáo dục và phát triển. Nhiều workshop, lớp học, thuyết trình, chiếu phim và thảo luận đã và đang được tổ chức hàng tháng, theo nhiều chủ đề: Kiến trúc, Di sản, Ngôn ngữ, Lịch sử, Phát triển Đô thị.

Tại hội thảo, các đại biểu, các nhà văn hóa cũng nêu ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai, thực hiện đồng thời đề xuất giải pháp, hướng đi để xây dựng, phát triển thương hiệu, chú trọng tạo sự kết nối, tương tác lành mạnh, có tính bền vững trong hoạt động, phát triển của các không gian sáng tạo tại Thủ đô.

Gia Huy

Top