Hà Nội quyết liệt dập dịch trên đàn lợn

11/01/2019 10:39 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay Hà Nội chỉ còn 2 nơi có dịch chưa qua 21 ngày là Chương Mỹ và Thường Tín. Không phát sinh ổ dịch mới. Hà Nội đã quyết tâm dập dịch, không để bùng phát ổ dịch mới, kịp thời phát hiện, khai báo, tiêm phòng bao vây, tẩy uế toàn thành phố từ 15-25/12/2018.

Tập trung phòng chống dịch LMLM cho đàn lợn-Ảnh: Đỗ Hương

“Điểm nóng” về dịch lở mồm long móng

Tính đến cuối tháng 12/2018, cả nước có 38 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM). Trong đó, Hà Nội là địa phương có tới 16 ổ dịch, cao nhất nước. Dịch bệnh LMLM đã xảy ra tại 15 xã thuộc 4 huyện trên địa bàn Hà Nội, gồm: Quốc Oai, Ba Vì, Đan Phượng và Thường Tín, buộc phải tiêu hủy 821 con gia súc.

Phân tích nguyên nhân bùng phát dịch LMLM tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho rằng, nhận thức phối hợp của người dân chưa tốt. Các địa phương nắm được tình hình dịch bệnh, nhưng họ không báo cáo như quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đã cử nhiều đoàn xuống kiểm tra tại các địa phương ở Hà Nội và đề nghị địa phương báo cáo ngay.

Ông Nguyễn Văn Long cũng cho rằng việc lây lan dịch thời gian qua là hệ thống thú y thôn ấp, xã, tỉnh, chưa nắm bắt dịch dịp thời, báo cáo muộn, khiến dịch bệnh lây lan. Qua giám sát, virus LMLM còn lây lan nhiều trong môi trường, trong khi nhiều đàn lợn chưa được tiêm phòng. Cùng với đó, thời tiết mưa rét, mầm bệnh dễ phát sinh và lây bệnh.

Ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm, Cục Thú y đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra xuống các địa phương và quán triệt tinh thần nếu địa phương nào dấu dịch sẽ bị xử lý, lúc đó các địa phương mới bắt đầu báo cáo dồn dập.

Đến nay, công tác chống dịch cơ bản đã thành công. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, hiện chỉ còn 2 nơi có dịch chưa qua 21 ngày là Chương Mỹ và Thường Tín. Không phát sinh ổ dịch mới. Hà Nội đã quyết tâm dập dịch, không để bùng phát ổ dịch mới, kịp thời phát hiện, khai báo, tiêm phòng bao vây, tẩy uế toàn thành phố từ 15-25/12/2018.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cũng thừa nhận, Cục Thú y và Thành phố Hà Nội đã triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch. Dù họ chưa thông báo cho Cục Thú y nhưng họ đã triển khai dập dịch quyết liệt, chính vì thế từ bùng phát 16 ổ dịch, nay chỉ còn 2 ổ dịch.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Chi cục Thú y đã thông tin đến tất cả các ban chỉ đạo ở xã, thị trấn về vấn đề khai báo dịch bệnh, thông báo cơ chế hỗ trợ 38.000 đồng/kg thịt lợn để người dân hiểu và khai báo kịp thời.

Kiểm soát hàng ngày

Không để dịch bệnh lây lan trước Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết đã chỉ đạo đơn vị thú y xã, thôn hàng ngày phải đi kiểm tra. Nếu thấy lợn chết phải tiêu hủy ngay, tìm hiểu thông tin về lợn bệnh từ nguồn nào, khai báo kịp thời.

Nói về khó khăn trong việc chống dịch, khiến dịch bùng phát ở một số huyện ngoại thành Hà Nội trong thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, mặc dù đã tuyên truyền nhưng một số nơi còn thực hiện chưa tốt. Người dân chưa hiểu trách nhiệm của mình là khi có lợn bệnh thì phải khai báo. Khi có dịch bệnh xảy ra lại đổ lỗi cho Thú y.

Về công tác chống dịch, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, trách nhiệm đầu tiên là của người dân phải khai báo với chính quyền địa phương, mỗi xã, huyện sẽ có ban chỉ đạo để xử lý vấn đề này. Ban chỉ đạo này sẽ kết hợp với Thú y cơ sở để thực hiện dập dịch, còn riêng lực lượng thú y thì không thể điều tra, nắm bắt hết được. Trách nhiệm của Thú y trước hết là tham mưu kỹ thuật về chống dịch, tiêm phòng chống dịch nhưng khâu tổ chức là do chính quyền địa phương các cấp thực hiện. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên là ban chỉ đạo các cấp từ thôn, xã, huyện, sau đó mới lên tới thành phố. Chính quyền địa phương còn có quyền xử lý vi phạm hành chính nếu phát hiện vi phạm.

Về chức năng của lực lượng thú y cơ sở, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, lực lượng Thú y sẽ tham mưu, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tiêm phòng, tẩy uế về môi trường, cùng với lực lượng địa phương chống dịch.

Mặc dù dịch lở mồm long móng trên đàn lợn ở Hà Nội cơ bản đã được khống chế nhưng ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, thời tiết và môi trường như hiện nay có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Do vậy, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, ngành thú y Hà Nội đang nỗ lực như những người lính để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, hiện nay thú y không được phép kiểm tra việc vận chuyển động vật trong tỉnh, nên khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Trong khi đó, thời gian Tết Nguyên đán việc vận chuyển động vật thường cao hơn bình thường từ 30-40% và địa bàn Hà Nội rất rộng.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, sắp tới, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, các địa phương phải xử lý dứt điểm với những ổ dịch đã phát hiện, chỉ cần lợn có triệu chứng là được phép tiêu hủy, không cần chờ xét nghiệm, đồng thời hỗ trợ ngay cho bà con theo quy định.

"Bên cạnh đó, yêu cầu các tỉnh đang có dịch phải công bố dịch, trường hợp nếu dịch xảy ra nhỏ lẻ, lãnh đạo tỉnh yêu cầu tiêu hủy và hỗ trợ cho người dân như sau khi công bố dịch. Đối với các địa phương chưa có dịch cần phòng dịch và phát hiện sớm, khi lợn có triệu chứng, cần chủ động lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của bà con trong vấn đề phòng chống dịch", ông Thành nói.

Đỗ Hương

Top