Hà Nội: Sản lượng rau xanh đáp ứng khoảng 65% nhu cầu

08/07/2019 3:01 PM

(Chinhphu.vn) - Toàn thành phố Hà Nội có tổng diện tích gieo trồng rau các loại gần 33.160ha phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Năng suất rau xanh trên địa bàn Thành phố luôn ổn định và có xu hướng tăng do người sản xuất chú trọng đầu tư thâm canh và bảo vệ sản xuất.

Ảnh minh họa

Cụ thể, sản lượng rau hằng năm của thành phố đạt hơn 700.000 tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 1,9%/năm. Chủng loại rau gieo trồng khá phong phú với trên 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ Đông Xuân. Diện tích rau an toàn của thành phố ổn định 5.044ha, tăng 11% so với năm 2015. Năng suất rau an toàn đạt 217tạ/ha, hiệu quả kinh tế sản xuất rau an toàn cao hơn so với sản xuất rau thông thường từ 10-20%. Diện tích rau hữu cơ là 50ha, năng suất dự kiến 50 tấn/ha/năm. Hiệu quả kinh tế sản xuất rau hữu cơ cao hơn so với sản xuất rau thông thường từ 20-30%.

Thành phố đã hình thành 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô từ 20ha trở lên tại các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ...; trong đó, vùng sản xuất rau an toàn giá trị đạt từ 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Thành phố xây dựng và vận hành 25 mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng PGS trong sản xuất và tiêu rau an toàn tại 25 xã, phường, thị trấn thuộc 16 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích hơn 1.138ha nhằm nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng đối với rau an toàn...

Sản lượng rau xanh của Thành phố đáp ứng được khoảng 65% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Khoảng 60% sản lượng rau an toàn tiêu thụ qua hình thức thương lái thu gom tại các ruộng sản xuất, sau đó, tập kết tại các chợ đầu mối, rồi đưa đến các chợ dân sinh; 40% được tiêu thụ qua các siêu thị, chuỗi thực phẩm, bếp ăn tập thể, các đơn vị chế biến.

Năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện 60 lớp huấn luyện nông dân về IPM rau cho 1.800 nông dân; 100 lớp tập huấn ngắn hạn về an toàn thực phẩm trong sản xuất rau an toàn cho 5.000 người. Triển khai, thực hiện 144 thử nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, nâng cao kiến thức kỹ năng canh tác, nhận thức về hệ sinh thái cho nông dân, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Minh Hương

Top