Hà Nội sẽ có nguồn nước uống trực tiếp theo tiêu chuẩn châu Âu

20/11/2018 9:19 AM

(Chinhphu.vn) – Chiều 19/11, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của ông Martin Dulig, Bộ trưởng Kinh tế, Lao động, Vận tải, Phó Thủ hiến bang Sachsen - Cộng hòa liên bang Đức dẫn đầu, tới thăm và làm việc tại Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Bộ trưởng Kinh tế, Lao động, Vận tải, Phó thủ hiến bang Sachsen - Cộng hòa liên bang Đức chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ. Ảnh: Diệu Anh

Tại Nhà máy nước mặt sông Đuống, buổi làm việc nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật như cấp nước, xử lý nước thải, bùn thải, năng lượng tái tạo, phát triển công nghệ mới với Công ty Aquaone, tham quan nhà máy giai đoạn 1A, tham quan khu vực đang thi công mở rộng nhà máy giai đoạn 1B.

Giai đoạn 1A đã đi vào vận hành ổn định dưới sự vận hành của đội ngũ kỹ sư công nhân chuyên nghiệp, có sự giám sát hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia Đức, tuân thủ theo quy trình giám sát chặt chẽ từ kiểm soát chất lượng nước thô đầu vào, tiêu chuẩn nước sau xử lý, công tác kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống thiết bị được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, xét nghiệm định kỳ các mẫu nước nhằm bảo đảm tiêu chuẩn cao nhất.

Nhà máy nước mặt sông Đuống với tổng công suất lên tới 900.000 m³/ngày đêm có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 5.000 tỷ đồng được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện nhà máy đã vận hành cấp nước thương mại với công suất 150.000 m³/ngày đêm đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y tế ban hành. Hiện đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 nâng công suất lên 300.000 m3/ngày đêm vào tháng 10/2019 thực hiện bởi nhà thầu liên doanh Aone Deutschland AG  và Strabag từ  Đức. Dự án sẽ tiếp tục mở rộng và nâng công suất đến năm 2021 đạt 600.000 m³/ngày đêm, năm 2025 đạt 900.000 m³/ngày đêm và tầm nhìn mở rộng công suất đến 1.200.000 m³/ngày đêm.

Nhà máy cung cấp nước sạch cho các khu vực: Quận Long Biên (14 phường), huyện Gia Lâm (22 xã), huyện Đông Anh (20 xã), huyện Sóc Sơn (26 xã); và các khu đô thị, công nghiệp trên đường 179, quận Hoàng Mai (14 phường), huyện Thanh Trì (15 xã), huyện Thường Tín (29 xã) và huyện Phú Xuyên (28 xã); các khu vực thiếu nước và các vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên…

Với công nghệ hiện đại, nhà máy đang cụ thể hóa mục tiêu của thành phố Hà Nội nhằm cung cấp nước sạch cho người dân uống được ngay theo tiêu chuẩn nước uống tại vòi như tiêu chuẩn Đức và Châu Âu.

Trước đó, tiếp đoàn đại biểu, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có buổi tiếp xúc với đoàn tại UBND TP. Hà Nội. Bên cạnh việc hoan nghênh mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp của hai nước, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chungcho biết, Hà Nội cũng đang gặp một số thách thức lớn, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, chất lượng cung cấp nước sạch (hiện mới đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế Việt Nam nhưng chưa đạt tiêu chuẩn châu Âu); ô nhiễm tại các con sông, ao hồ trên địa bàn; ô nhiễm không khí; tình trạng ùn tắc giao thông,…

Theo Chủ tịch UBND Thành phố, để khắc phục những vấn đề trên, trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã đưa ra những chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn: Phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ người dân Hà Nội sẽ được dùng nước sạch theo tiêu chuẩn châu Âu. Trong 2 năm vừa qua, Thành phố đã kêu gọi được 24 nhà đầu tư đầu tư vào 31 dự án, phủ kín được 94% diện tích cho người dân dùng nước sạch.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Kinh tế, Lao động, Vận tải, Phó thủ hiến bang Sachsen - Cộng hòa liên bang Đức đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ (MOU) giữa Tập đoàn Aquaone và Công ty Aone Deusheuche – Đức về hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái các hệ thống bể xử lý nước tại Nhà máy nước mặt sông Đuống với tiềm năng công suất lên tới 10,8 MWp. Bản ghi nhớ này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm phát triển các dự án đầu tư hiệu quả tại Việt Nam.

Diệu Anh

Top