Hà Nội tăng cường giám sát việc thực hiện quyền trẻ em

16/08/2019 4:26 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em; tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi.

Trẻ em vui múa hát nhân dịp Tết Trung thu - Ảnh: Minh Anh

Năm 2019, Thành phố Hà Nội tập trung thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến trẻ em như giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng so với năm trước 0,1%; duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Số trường công lập đạt chuẩn Quốc gia tăng thêm 100 trường. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 30 xã.

Theo báo cáo của Thành phố Hà Nội, năm qua, nhiều chỉ tiêu về chăm sóc bảo vệ trẻ em đạt cao, như tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm 0,3%. Số trường công lập đạt chuẩn Quốc gia tăng thêm 120 trường (chi tiêu là tăng 80 trường), đạt tỷ lệ 66,2% và hoàn thành sớm trước 2 năm so với mục tiêu của nhiệm kỳ là đạt từ 65-70% trường công lập đạt chuẩn.

Công tác bố trí nguồn lực thực hiện công tác trẻ em được quan tâm đầu tư. Năm 2018 thành phố đã đầu tư 7,3 tỷ đồng, bao gồm chi ngân sách cho đầu tư phát triển từ ngân sách riêng của địa phương hỗ trợ cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia liên quan tới bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngân sách Thành phố chi đầu tư các công trình dành cho trẻ em (công trình nhà trẻ mẫu giáo, bệnh viện nhi....) từ nguồn xây dựng cơ bản tập trung Thành phố với tổng số tiền là 216 tỷ đồng.

Tính đến ngày 20/5/2019, Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố Hà Nội huy động được 7 tỷ đồng nguồn lực xã hội hóa cho công tác trẻ em.

Hà Nội cũng đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát, thu thập và cơ bản hoàn thành cập nhật dữ liệu trẻ em vào phần mềm quản lý đối tượng trẻ em. Có thể khẳng định, công tác rà soát, thống kê, quản lý số liệu trẻ em đã được thực hiện nề nếp.

Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2019, Hà Nội có 1,8 triệu trẻ em, trong đó có 12,5 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 54,5 nghìn trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, 766 trẻ em thuộc nhóm khác.

Hiện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các chính sách theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 cùa Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với dối tượng bào trợ xã hội. Theo đó mức hường trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội của Hà Nội (trong đó có trẻ em) đang cao hơn mức chuẩn của Trung ương (Hà Nội là 350.000 đồng/tháng; Trung ương là 270.000 đồng/tháng).

Cùng với các hình thức chăm sóc, trợ giúp băng nhiều chính sách của Nhà nước, thông qua các dịp Tết Nguyên dán, hoạt động cao điểm trong Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu, Diễn dàn trẻ em, trung bình hàng năm, có hàng trăm nghìn lượt trẻ em được tặng quà với tổng giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng, chỉ tính riêng năm 2018, đã có 1,3 triệu lượt trẻ em được nhận quà, học bổng, phẫu thuật với tổng giá trị hơn 40,9 tỷ đồng.

Như vậy, năm 2018, toàn Thành phố Hà Nội đã có 12.343/12.419 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc đạt tỷ lệ 99,4%; 6 tháng đầu năm 2019, có 12.452/12.533 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc đạt 99,33%.

Công tác phát hiện, tiếp nhận, giải quyết các vụ việc vi phạm quyền trẻ em và xâm hại/lạm dụng, bạo hành trên địa bàn Thành phố đã có những bước chuyến biến tích cực. Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tiếp nhận và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã giải quyết 44 thông tin liên quan đến trẻ em bị xâm hại/bạo lực và vi phạm Quyền trẻ em.

Để công tác chăm sóc bảo vệ và giáo dục trẻ em trên địa bàn đạt được hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, kế hoạch về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã ban hành.

Bên cạnh đó, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em, bảo đảm có người được phân công nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp xã và địa bàn dân cư.

Minh Anh

Top