Hà Nội tăng học phí từ năm học 2016 – 2017

09/08/2016 4:46 PM

(Chinhphu.vn) - Mức thu học phí đề xuất năm học 2016 – 2017 của TP. Hà Nội tăng cao nhất ở vùng thành thị so với năm học trước là 20.000 đồng (từ 60.000 đồng/học sinh/tháng lên 80.000 đồng/học sinh/tháng).

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội (đứng) thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Gia Huy

Chiều 9/8, liên ngành Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thông tin về mức thu học phí tăng từ năm học 2016 – 2017.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để đề xuất phương án tăng học phí, TP. Hà Nội đã tổ chức gần 20 hội thảo xin ý kiến, MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đã tiến hành các hội nghị phản biện.

Với mức thu từ năm học trước, đơn cử năm học 2015 – 2016, tổng số thu từ học phí công cập cấp học mầm non và phổ thông của thành phố khoảng trên 287 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 6,7% tổng chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp), trong khi kinh phí ngân sách nhà nước cấp chi theo định mức khoảng trên 4 nghìn tỷ đồng. Nguồn thu học phí đã hỗ trợ một phần cùng ngân sách nhà nước đáp ứng nhu cầu chi phục vụ dạy và học tại các cơ sở giáo dục công lập.

Mức thu học phí hiện nay ở mức thấp nhất trong khung học phí quy định của Chính phủ. Các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương. Như vậy, kinh phí còn lại (60% nguồn thu học phí) được sử dụng để chi hỗ trợ phục vụ giảng dạy và học tập, điều này làm hạn chế về nguồn lực hỗ trợ các cơ sở giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới giáo dục và đào tạo.

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư các năm, TP. Hà Nội là một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao so với thu nhập bình quân của cả nước và là thành phố có mức thu nhập đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước (sau TP. HCM và Bình Dương).

Từ năm học 2016 – 2017, TP. Hà Nội đề xuất mức thu học phí mới, mức thu này đã được HĐND TP. Hà Nội thông qua tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP. Hà Nội khoá XV tổ chức từ ngày 1-3/8/2016.

Vùng nông thôn tăng từ 30.000 đồng/học sinh/tháng lên 40.000 đồng/học sinh/tháng (tăng so với năm học trước là 10.000 đồng/học sinh/tháng); vùng miền núi tăng thêm 2.000 đồng/học sinh/tháng (từ 8.000 lên 10.000 đồng/học sinh/tháng).

Số đối tượng miễn học phí của Hà Nội hiện khoảng 11.800 người, trong đó đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp được miễn học phí là trên 11.000 người. Số tiền thực hiện chế độ miễn giảm của năm học 2015 – 2016 khoảng trên 12 tỷ đồng.

Theo ông Quang, hiện nay Hà Nội có 26 cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập, bao gồm 1 trường ĐH, 12 trường CĐ, 7 trường trung cấp chuyên nghiệp. Đối với 22 cơ sở giáo dục (là đơn vị bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên) đề xuất mức thu học phí tăng dần theo lộ trình, chậm nhất đến năm 2020 – 2021, mức thu bằng mức trần đối với các đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư quy định.

Như vậy mỗi đơn vị sẽ có lộ trình tăng mức thu học phí khác nhau. Trong đó, từ năm học 2016 – 2017 đến năm học 2019 – 2020, một số trường có cùng chuyên ngành, cùng loại hình đào tạo nhưng sẽ có mức thu học phí khác nhau; đến năm học 2020 – 2021 tất cả các trường có cùng chuyên ngành, cùng loại hình đào tào sẽ có mức thu học phí bằng nhau.

Riêng trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long và Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội là đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên, thành phố đề xuất mức thu năm học 2016 – 2017 theo nguyên tắc tính đủ chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp nhưng không vượt mức trần đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Liên quan đến quản lý các khoản thu ngoài học phí, ông Lê Ngọc Quang cho biết, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định quy định chi tiết 10 khoản thu khác ngoài học phí, năm học 2016 – 2017, Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện theo quy định này và sẽ chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm theo quy định.

Ngay từ đầu năm học mới, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu cho thành phố để chấn chỉnh việc lạm thu, phân biệt các loại thu ngoài học phí đúng quy trình và quy định, sau đó sẽ tiến hành các đoàn kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm. Tuy nhiên, việc tăng học phí cũng là một biện pháp giảm lạm thu tại trường học.

Về những thắc mắc liên quan đến việc tăng học phí có bảo đảm tăng đầu tư cho giáo dục, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, theo quy định số học phí thu được 40% dành cho cải cách tiền lương, 60% dành cho hoạt động dạy và học. Theo ước tính, mức học phí tăng năm học mới sẽ thu 112 tỷ đồng, như vậy 60% trong số này sẽ được tăng cường cho dạy và học. Nguồn tăng học phí cũng là điều kiện cho các nhà trường thêm nguồn kinh phí hỗ trợ dạy học.

Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, mức thu học phí của Hà Nội ở mức thấp so với mức thu của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Mức thu bình quân khu vực thành phị của TP. HCM là 152.000 đồng/học sinh/tháng, nông thôn là 118.000 đồng/học sinh/tháng; Đà Nẵng khu vực thành thị là 67.000 đồng/học sinh/tháng, nông thôn là 30.000 đồng/học sinh/tháng; Hải Phòng khu vực thành thị mức thu là 134.000 đồng/học sinh/tháng; ở TP. Cần Thơ khu vực thành thị mức thu là 55.000 đồng/học sinh/tháng.

Gia Huy

Top