Hà Nội tập trung làm “sống” lại các dòng sông

13/07/2017 5:00 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang thực hiện nhiều dự án cũng nhưng đang kêu gọi các dự án theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) để lấy nước làm sạch, thu gom và nạo vét nhằm hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy.

Đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội)

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm môi trường một số dòng sông ở Hà Nội đang ở mức báo động, trong đó có sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch… Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu do nước thải sinh hoạt chưa được qua xử lý hoặc đã được xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn và nước thải sản xuất đổ trực tiếp vào sông. Bên cạnh đó, do không được sông Hồng dẫn nước vào thường xuyên và sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch, nước sông Nhuệ ngày càng ô nhiễm.

Từ năm 2003 đến nay, mực nước sông Hồng thường xuyên duy trì ở mức thấp, vào mùa khô khi có các đợt xả từ các hồ: Thác Bà, Tuyên Quang, Hòa Bình mới có thể duy trì mực nước trên 2m tại Hà Nội. Với mực nước đó, hệ thống thủy lợi sông Nhuệ lấy nước từ sông Hồng qua cống Liên Mạc không lấy được nước bằng hình thức tự chảy. Có thời điểm mực nước sông Hồng thấp hơn sông Nhuệ nên phải đóng cống để giữ nước sông Nhuệ phục vụ cho sản xuất của các địa phương trong lưu vực.

Nhiều giải pháp đã được TP. Hà Nội thực hiện như đầu tư kinh phí, kêu gọi hợp tác nhằm từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm các dòng sông và cải thiện chất lượng môi trường nguồn nước sông, triển khai đầu tư các dự án bổ sung nguồn nước sông, các công trình tiêu thoát nước.

Thành phố đã xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng các trạm bơm tiêu nước như: Dự án xây dựng các trạm bơm tiêu nước vào sông Nhụệ, sông Châu (tiêu nước cho các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên; đẩy nhanh tiến độ triển khai các trạm bơm tiêu và công trình đầu mối: Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Yên Nghĩa (tiêu từ sông Nhuệ ra sông Đáy), Đông Mỹ (tiêu từ khu vực Thanh Trì ra sông Hồng), Cụm công trình đầu mối Liên Mạc, Trạm bơm Yên Thái tiêu ra sông Đáy…

Ngoài ra Thành phố xây dựng, nâng cấp các trạm bơm như Đan Hoài, Bá Giang lấy nguồn nước sông Hồng cho sông Đáy, trạm bơm Cao Xuân Dương lấy nguồn nước sông Đáy (có chất lượng bảo đảm) để phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp cho các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai.

Nhiều dự án xử lý nước thải đã được Hà Nội triển khai để góp phần bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Cụ thể là dự án xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp và làng nghề xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức dự kiến hoàn thành năm 2017; dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung cầu Ngà tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức để xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải của 3 xã có làng nghề ở đầu nguồn sông Nhuệ là Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế nhằm giảm tải trọng chất ô nhiễm ở vùng hạ lưu, trong đó có lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy (hoàn thành và vận hành thử nghiệm cuối năm 2016). Cũng vào cuối năm 2016, Sở Xây dựng đã phê dụyệt dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề, cơ khí, kim khí xã Thanh Thủy, huyện Thanh Oai.

Ngoài ra, nhằm hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, TP. Hà Nội cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai các dự án lấy nước làm sạch sông Nhuệ, sông Đáy. Với sông Nhuệ, triển khai dự án xây đựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, Từ Liêm (giai đoạn I) với mục tiêu lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ. Thành phố đang kêu gọi theo hình thức BT đối với các dự án: Nâng cấp trục chính sông Nhuệ kết hợp với làm đường giao thông cải thiện môi trường gắn với chỉnh, trang sông Nhuệ từ cống Hà Đông đến đường vành đai 4; dự án nâng cấp trục chính sông Nhuệ kết hợp với làm đường giao thông cải thiện môi trường gắn với chỉnh trang sông Nhuệ từ Liên Mạc đến cống Hà Đông.

Tính đến tháng 6/2017, Thành phố đang triển khai thi công, cơ bản đã hoàn thành khối lượng thiết kế dự án đầu tư nâng cấp trục chính sông Nhuệ đoạn từ vành đai 4 đến hết hệ thống tại các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa. Với dự án nạo vét sông Nhuệ từ Liên Mạc đến Hà Đông, Thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan bố trí vốn để triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2016-2020.

Hà Nội cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai đầu tư xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ để góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước, môi trường sinh thái.

Đối với sông Đáy, hiện nay việc dẫn nước sông Hồng vào đang thực hiện qua cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ) nhằm đáp ứng một phần nhu cầu nước tại lưu vực sông Đáy và từng bước khôi phục dòng chảy của con sông này. Tuy nhiên một vài năm gần đây việc dẫn nước không thực hiện được thường xuyên do mực nước sông Hồng xuống thấp hơn nên Thành phố giữ nước trong kênh để phục vụ sản xuất nông nghiệp của 9 xã vùng bãi huyện Phúc Thọ.

Hà Nội đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng các dự án, công trình lấy nguồn nước từ sông Hồng vào sông Đáy. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư kinh phí triển khai dự án nạo vét lòng dẫn sông Đáy đoạn từ đập Đáy đến cầu Mai Lĩnh để cải tạo lòng dẫn làm “sống lại” sông Đáy, góp phần tiêu thoát lũ khi phân lũ sông Hồng vào sông Đáy phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Diệp An

Top