Hà Nội tích cực ứng dụng CNTT vào giáo dục, đào tạo

05/08/2016 3:30 PM

(Chinhphu.vn) – TP. Hà Nội đang xây dựng và phấn đấu trong thời gian sớm nhất sẽ đưa phần mềm quản lý giáo dục - đào tạo trên 1,7 triệu học sinh của thành phố vào hoạt động.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Gia Huy

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2015 – 2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016 – 2017 sáng 5/8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đang tích cực ứng dụng CNTT vào các hoạt động của ngành Giáo dục – Đào tạo.

Bắt đầu từ kỳ tuyển sinh đầu cấp năm học 2016 - 2017, TP. Hà Nội đã ứng dụng CNTT vào tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 bằng phương thức trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh học sinh trong quá trình đăng ký tuyển sinh. Hiện nay, thành phố đang phấn đấu đưa phần mềm quản lý về giáo dục – đào tạo cho trên 1,7 triệu học sinh của thành phố vào hoạt động. Đối với các trường học, đã lắp xong đường truyền Internet tốc độ cao đến tất cả các trường.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố hiện có 2.622 trường học với trên 9.000 phòng học, nếu chia trung bình khoảng 20 học sinh/phòng học. Tuy nhiên, mật độ các trường xây dựng trong những năm qua không đồng đều, khu vực ngoại thành có thể đạt được mức 20 học sinh/lớp nhưng khu vực nội thành lại đang bị quá tải, số học sinh trong một lớp thực tế lớn hơn tỷ lệ trung bình nêu trên.

Trong những năm qua, chất lượng giáo dục tại địa bàn của Thủ đô đã được nâng lên, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại liên quan đến chất lượng học sinh, đặc biệt là việc học sinh phải đi học trái tuyến, chất lượng dạy và học tại một số khu vực chưa đồng đều, còn tình trạng liên quan dạy thêm và học thêm…

Cơ sở vật chất tại các trường học của thành phố còn rất chênh lệch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: “Qua kiểm tra thực tế, hệ thống nước sạch, các nhà vệ sinh là vấn đề hết sức nhức nhối tại các trường học, thành phố sẽ tập trung xử lý trong thời gian tới và đã có những đặt hàng để cung cấp đủ nhà vệ sinh cho hơn 2 nghìn trường học trên địa bàn”.

Bên cạnh đó, chính vì có sự chênh lệch giữa các khu vực nội thành, ngoại thành nên Hà Nội đang tiến hành quy hoạch lại hệ thống giáo dục trên địa bàn toàn thành phố; tích cực đào tạo nâng cao trình độ cho giáo viên.

Về tăng cường cơ sở vật chất, từ tháng 3/2016, Hà Nội rà soát và đầu tư 26 trường với mức đầu tư 597 tỷ đồng, để đảm bảo thêm các phòng học cho học sinh từ năm học 2016 – 2017.

Qua rà soát tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua, TP. Hà Nội định hướng trong thời gian tới đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên qua rà soát, nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch còn chưa đáp ứng, trong thời gian tới khi Hà Nội có thêm khoảng 20 – 25 khách sạn, thêm khoảng 2.000 phòng khách sạn sẽ liên quan sắp xếp đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu này.

Tại Hội nghị trực tuyến, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Bộ GD&ĐT và Chính phủ, trên cơ sở định hướng chung giao cho các tỉnh/thành phố kết hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình chuẩn hàng năm đào tạo cho giáo viên nâng cao trình độ, đồng thời có tiêu chuẩn về trình độ giáo viên các cấp.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Chung cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT tăng cường đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học; đẩy mạnh việc học tiếng Anh, kiến nghị Bộ GD&ĐT có chương trình chuẩn dạy tiếng Anh cho các cấp, theo lộ trình cụ thể.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần có chương trình định hướng nghề cho học sinh bắt đầu từ lớp 9. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những nghề mũi nhọn cần đưa vào định hướng đào tạo để phát triển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi học tập, trên cơ sở đó có kinh nghiệm, hòa nhập với các trường trong khu vực và thế giới.

Gia Huy

Top