Hà Nội trình Bộ Chính trị văn kiện Đại hội Đảng bộ vào tháng 9/2020

23/06/2020 2:47 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 23/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý của các Ban, Bộ, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội Trung ương vào dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Gia Huy

Định hướng phát triển đô thị thông minh, sáng tạo

Về quy trình chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết Thành ủy đã tổng kết 8 chương trình, đề án của Thành ủy, là luận chứng quan trọng để xây dựng và hoàn thiện dự thảo báo cáo. Bản dự thảo lần thứ nhất được hoàn thiện vào tháng 1/2020; bản dự thảo lần thứ 2 đến nay đã có 8 lần hoàn thiện, được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua trước khi đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thành phố để lấy ý kiến góp ý của nhân dân.

Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ được trình Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến vào tháng 9/2020.

Dự thảo báo cáo của Hà Nội cho thấy, bình quân giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3-7,8%), cao hơn giai đoạn 2011-2015 (6,93%); năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, bằng 1,8 lần cả nước.

Tuy nhiên dù tốc độ tăng, quy mô kinh tế cơ bản đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đề ra nhưng vẫn chưa tạo được các “đột phá lớn” và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Ngành dịch vụ tăng trưởng dưới tiềm năng, thấp hơn mức tăng GRDP chung, đóng góp trong cơ cấu GRDP có xu hướng giảm.

Từ những hạn chế, Hà Nội xác định giai đoạn 2020-2025 tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo; duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn so với trung bình cả nước và cao hơn giai đoạn 2015-2020. Hà Nội cơ bản trở thành thành phố công nghiệp hóa - hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.100-8.300 USD.

Phấn đấu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố  “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế. Hà Nội trở thành thành phố công nghiệp hóa - hiện đại hóa hoàn chỉnh; thành phố thông minh; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Ảnh: Gia Huy

Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng gấp 1,3 lần cả nước

Tại buổi làm việc, đại biểu các Bộ, ban, ngành đánh giá dự thảo báo cáo của Hà Nội được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, trí tuệ, kết cấu chặt chẽ; nội dung dự thảo có hàm lượng thông tin cao, số liệu trích dẫn minh họa cụ thể cho các luận điểm; xác định các bước đột phá chiến lược một cách hợp lý... Dự thảo báo cáo đánh giá khá toàn diện, thể hiện tầm quan trọng, vai trò lãnh đạo của Đảng nói chung và Thành ủy nói riêng đối với sự thành công trong nhiệm kỳ 2016-2020 của Thủ đô.

Dự thảo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và các mục tiêu giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030 và tầm nhìn 2045 thể hiện rõ khát vọng phát triển của Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú góp ý, Hà Nội đánh giá kinh tế trong nhiệm kỳ qua tăng trưởng khá, đây là một đánh giá khiêm tốn, bởi thực tế mức tăng trưởng bình quân trên 7% trong 5 năm qua là mức tăng trưởng cao và có đóng góp quan trọng với tăng trưởng của cả nước. Hà Nội phải khẳng định là một trung tâm kinh tế, là đầu tầu của cả khu vực, do vậy báo cáo chính trị cần đánh giá sâu hơn và thỏa đáng hơn vấn đề này. Thực tế trong đại dịch COVID-19 vừa qua chứng minh sức bền của doanh nghiệp Hà Nội và kinh tế Thủ đô khi vẫn duy trì tăng trưởng trên 3%...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, với kết quả 6 tháng đầu năm 2020 và các giải pháp trong thời gian tới, Hà Nội chắc chắn sẽ thực hiện được mục tiêu đã báo cáo với Chính phủ là tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần so với GDP cả nước, đạt 6-6,5%.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá hoạt động đối ngoại của Hà Nội trong nhiều năm qua là điểm sáng của cả nước. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị trong bối cảnh thế giới và khu vực, Hà Nội cần bổ sung đánh giá về toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; nhấn mạnh mối quan hệ chuyển hóa giữa nguy cơ và thời cơ trong bối cảnh mới có liên quan đến dịch bệnh COVID-19.

Trong công tác đối ngoại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị Hà Nội bổ sung mục tiêu xây dựng Thành phố mang tầm khu vực và toàn cầu về đối ngoại. Trong giai đoạn phát triển mới nên đặt đối ngoại ở vị trí cao hơn để đối ngoại là động lực phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đi đầu xây dựng nền ngoại giao chủ động, hiệu quả, sáng tạo.

Về quy hoạch và phát triển đô thị, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu ý kiến, Thủ đô là đô thị đặc biệt, việc lập và phát triển quy hoạch là đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tới. Trong dự thảo, phần đánh giá nhiệm kỳ 2015-2020 đã nói rất kỹ về quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, tuy nhiên việc phát triển theo quy hoạch như thế nào chưa được đánh giá đầy đủ và cần đánh giá việc thực hiện theo quy hoạch như thế nào để làm sâu sắc hơn dự thảo.

Đề cập đến khâu đột phá của nhiệm kỳ tới, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Hà Nội đưa vấn đề đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị lên thành khâu đột phá đứng thứ nhất. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cũng cho rằng trong khâu đột phá này Hà Nội cần bổ sung về tăng cường công tác tổ chức, thi hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô bởi theo định hướng của Trung ương, công tác tổ chức thi hành pháp luật cần tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là theo dõi, xử lý vi phạm trên thực tế.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, các ý kiến cho thấy tình cảm và trách nhiệm của đại biểu với Thủ đô. Sau buổi làm việc hôm nay, Thành ủy Hà Nội sẽ tổng hợp ý kiến của 10 hội nghị lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo báo cáo. Dự kiến vào tháng 7, Tiểu ban văn kiện sẽ trình Thường vụ Thành ủy hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 trước khi trình Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến vào tháng 9/2020.

Gia Huy

Top