Hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác

13/12/2018 2:25 PM

(Chinhphu.vn) - Tính chung cho 2 năm 2017 và 2018, Thành phố Hà Nội đã ký kết 32 biên bản ghi nhớ tại các hội nghị xúc tiến đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 217.000 tỷ đồng.

Phối cảnh Dự án xây dựng đô thị thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội là dự án lớn nhất được cấp phép với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 4 tỷ USD, do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư-Ảnh: Minh Anh

Trong hai năm qua, nhiều thỏa thuận hợp tác từ sau các Hội nghị này đã được hiện thực hóa, khẳng định hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư của Hà Nội.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, Thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký 74.369 tỷ đồng và ký kết 15 biên bản ghi nhớ với vốn đầu tư đăng ký khoảng 139.682 tỷ đồng, trong đó 5 dự án đã hiện thực hóa thành quyết định chủ trương đầu tư với vốn đầu tư là 10.859 tỷ đồng (đạt 8% về vốn và 33,3% về số dự án).

Ngoài ra, Thành phố còn tham gia ký kết 2 biên bản ghi nhớ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Nhật Bản, có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước là: Dự án thành phố thông minh của Tập đoàn Sumitomo và BRG, và các dự án của Tập đoàn NIDEC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Năm 2018, các dự án này đã được Ban quản lý khu công nghệ cao (KCNC) Hòa Lạc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (400 triệu USD) và UBND Thành phố cấp quyết định chủ trương đầu tư (4,138 tỷ USD).

Tại Hội nghị năm 2018, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 73 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 400.435 tỷ đồng và ký kết 15 biên bản ghi nhớ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,4 tỷ USD, trong đó mới cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 1 dự án, vốn đầu tư 200 triệu USD.

Theo các báo cáo tổng hợp mới nhất, tính chung cho 2 năm 2017 và 2018, Thành phố Hà Nội đã ký kết 32 biên bản ghi nhớ tại các hội nghị xúc tiến đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 217.000 tỷ đồng, trong đó 9 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư với vốn đầu tư là 119.833 tỷ đồng (đạt 28% về dự án và 55% về giá trị đã cam kết); 1 dự án đã chuyển sang đầu tư công; 9 dự án đã được giới thiệu địa điểm, hiện nhà đầu tư đang lập hồ sơ đề xuất; 13 dự án còn lại, Thành phố tiếp tục đôn đốc các Sở ngành rà soát địa điểm, hướng dẫn và hỗ trợ Nhà đầu tư để sớm hiện thực hóa các thỏa thuận, ghi nhớ.

Về các các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ an sinh xã hội, tính đến nay đã hoàn thành và đang triển khai được 30/34 nội dung cam kết (hỗ trợ 100.000 ghế inox cho các huyện, xã miền núi khó khăn, hỗ trợ hơn 300 suất học bổng đào tạo; hỗ trợ thiết bị uống nước sạch tài vòi cho học sinh với quy mô công suất khoảng 3,000 lít nước uống/ngày…). Riêng nội dung hỗ trợ về xây dựng trường nội trú cho các tỉnh khó khăn, Thành phố Hà Nội sẽ giao các Sở ngành đôn đốc các nhà tài trợ sớm thực hiện cam kết.

9 dự án đã được cấp Quyết định chủ trương:

- Dự án Thành phố Thông minh: 4,138 tỷ USD;

- Dự án Trung tâm Aeonmall Hà Đông: 192 triệu USD;

- Dự án hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông của Tập đoàn công nghệ CMC: 500 tỷ VNĐ;

- Dự án hệ thống mạng và Nhà máy cấp nước sạch của Công ty cổ phần nước Aqua One: 4.900 tỷ VNĐ;

- Dự án mạng cấp nước cho Phú Xuyên, Thường Tín của Công ty CP Nước sạch Hà Nam: 900 tỷ VNĐ;

- Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực vận hành Metro của Công ty CP Tokyo Metro: 8,5 triệu USD;

- Dự án mở rộng của Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam: 200 triệu USD;

- Dự án Nidec Shimpo: 200 triệu USD;

- Dự án Nidec Techno Motor Việt Nam: 200 triệu USD.

Minh Anh

Top