Hiệu quả kinh tế từ nhân rộng mô hình gà Mía Sơn Tây

13/12/2017 3:42 PM

(Chinhphu.vn) - Giống gà Mía là giống gà thịt cổ truyền nổi tiếng tuy nhiên do tốc độ công nghiệp hóa trong chăn nuôi nên một số giống gen nhập ngoại phát triển mạnh, các nguồn gen nội địa có nguy cơ mai một. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển chăn nuôi giống gà quý này rất cần thiết.

Phát triển chăn nuôi gà Mía để bảo tồn và nâng cao thu nhập cho nông dân. Ảnh: Minh Nhung

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội giống gà Mía là giống gà thịt cổ truyền nổi tiếng, tuy không xác định từ đời nào nhưng gốc tích gắn liền với tập quán văn hoá địa phương tại làng cổ Đường Lâm. Gà Mía với chất lượng thịt thơm ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng (tuy giá đắt), xưa kia được dùng làm lễ vật có giá trị dâng lên cung tiến vua.

Đứng trước nguy cơ mai một bởi các giống ngoại lai và sẽ mất dần đi nguồn đặc sản nổi tiếng, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định quy định gà Mía là một giống gà nằm trong danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn. Vì vậy, UBND Thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách bảo tồn và phát triển chăn nuôi gà Mía, đến nay giống gà Mía đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH&CN cấp nhãn hiệu hàng hóa “gà Mía Sơn Tây”.

Gà Mía nổi tiếng khắp vùng bởi đặc điểm hình dáng và chất lượng thịt thơm, ngon, đặc biệt, gà trống khi trưởng thành ở phía ngoài chân gà có vệt màu đỏ từ trên xuống đến ngón chân trông giống như sợi chỉ là giống gà chuyên dùng để tiến vua. Năm 1993, Trung tâm Giống vật  nuôi Hà Tây thuộc Sở NN&PTNT Hà Tây cũ đã thành lập Trạm trại gà Mía Sơn Tây, có trụ sở tại thôn Văn Miếu, xã Đường Lâm để phục hồi giống gà quý hiếm này. Đến năm 2012, Trạm trại gà Mía Sơn Tây chuyển về Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội thuộc UBND thành phố Hà Nội (HADICO) và Xí nghiệp chăn nuôi gia cầm đã được thành lập với nhiệm vụ duy trì, phát triển và bảo tồn gà mía giống “bố mẹ”, “ông bà” và nhân giống để cung cấp cho thị trường.

Theo ông Nguyễn Duy Vụ, Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi gia cầm-Công ty TNHH MTV Đầu tư &Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết, hiện nay Xí nghiệp đang sở hữu khoảng 10 nghìn con gà bố mẹ, ông bà giống gốc thuần và có 24 chuồng nuôi chăn thả, với tổng đàn gà đang nuôi giữ hơn 72,7 nghìn con, trong đó gà sinh sản hơn 47,9 nghìn con. Khu lò ấp của Xí nghiệp dùng máy ấp nở công nghiệp tự động nên mỗi năm cung ứng trên 1,5 – 2 triệu gà Mía giống 1 ngày tuổi. Đây chính là nguồn cung cấp cho các hộ nông dân, trang trại, gia trại tại các vùng chăn nuôi gia cầm trọng điểm ở ngoại thành Hà Nội như: Ba Vì, Sóc Sơn và Sơn Tây. Riêng trong năm 2016, công ty đã tổ chức sản xuất và cung ứng gà giống chăn nuôi trên địa bàn Thành phố hơn 2,2 triệu con.

Ngoài ra trên địa bàn Thành phố còn có nhiều cơ sở nuôi giống, ấp trứng cung cấp gà giống gà Mía thuần và gà Mía lai gà ri phục vụ chăn nuôi, với tổng số gà giống là 5 triệu con/năm. Bên cạnh đó, để phát huy điều kiện tự nhiên và tập quán chăn nuôi của các địa phương, năm 2017, Trung tâm khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình chăn nuôi gà Mía thả vườn theo hướng an toàn sinh học tại 5 huyện, thị xã, gồm: Ba Vì, Thạch Thất, Thường Tín, Hoài Đức và Thị xã Sơn Tây.Chương trình này giúp cho bà con nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh và nâng cao chất lượng gia cầm. Mô hình này có quy mô 50 nghìn con. Với giá bán hiện nay là 85 nghìn đồng/kg với gà có trọng lượng từ 2-2,2 kg/con, sẽ cho thu lãi từ 23-25.000 đồng/con.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây cho biết, ngoài việc bảo tồn giống gà quý của địa phương, chăn nuôi gà mía còn giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Theo đó, Hội sản xuất và kinh doanh gà mía Đường Lâm đã ra đời, với hơn 100 hộ, quy mô mỗi hộ đạt 100 - 300 con mái sinh sản hoặc 300 - 500 con gà thương phẩm mỗi lứa. Chính vì vậy nhiều gia đình đã phát triển kinh tế, trở thành những hộ giàu nhờ chăn nuôi gà Mía.

Cần thực hiện liên kết chuỗi để phát triển

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, chăn nuôi gà Mía hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ trong nông hộ, năng suất chất lượng và hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Chăn nuôi chủ yếu theo phương thức truyền thống, quy trình và phương thức khác nhau nên việc kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm khó khăn.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, cung ứng giống gà Mía bảo đảm chất lượng chưa nhiều (hiện mới có đàn gà của Công ty HADICO là được công nhận đàn giống gốc) nên không đủ giống thuần chủng cấp cho người chăn nuôi. Cùng với đó là chưa hình thành các chuỗi và liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà Mía.

Vì vậy, để nhân rộng và phát triển giống gà Mía, ông Nguyễn Huy Đăng cho rằng, trong thời gian tới, Hà Nội cần phát triển chuỗi và liên kết chuỗi gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà Mía trên địa bàn Thành phố cũng như các tỉnh

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động phát triển chuỗi theo các nội dung đã được duyệt tại Quyết định của UBND Thành phố về việc phê duyệt Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phâm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2016 -2020. Trong đó cần phát triển ổn định về quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng đối với chuỗi liên kết với mục tiêu các sản phẩm của chuỗi đều an toàn, kiểm soát được chất lượng và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất sơ chế bảo quản tiêu thụ sản phẩm theo hướng cung cấp sản phẩm tại các địa phương và liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp tiêu thụ. Đồng thời phát triển các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm, phát huy và sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu tập thể của từng chuỗi liên kết đối với chăn nuôi và định hướng thị trường cho các chuỗi phù hợp với năng lực sản xuất, nhu cầu của thị trường.

Minh Nhung

Top