Hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp tập trung

28/07/2020 3:03 PM

(Chinhphu.vn) - Trong những năm qua tình hình phát triển kinh tế- xã hội của huyện Thạch Thất, đặc biệt trong 10 năm thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới (từ năm 2010 đến nay) luôn ổn định và phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,92%, riêng phát triển nông nghiệp đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung, sản xuất theo chuỗi liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Huyện Thạch Thất hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có giá trị cao. Ảnh: Thiện Tâm.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, Huyện đã đặt ra tiêu chí hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung hoặc có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của Huyện trong quá trình thực hiện Nông thôn mới.

Theo đó, trên cơ sở rà soát huyện Thạch Thất đã lựa chọn chỉ tiêu 6.2 là có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thực hiện tiêu thụ ít nhất 10% sản lượng đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Huyện theo quy hoạch. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Huyện cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, nhất trí cao của nhân dân nên Huyện tổ chức hoàn thành việc dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời triển khai công tác quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND; Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội. UBND huyện đã xây dựng và phê duyệt Đề án “mở rộng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp mới có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020”. Trong đó có các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như vùng chuyên lúa 400 ha tại các xã: Đại Đồng, Hương Ngải, Thạch Xá, Dị Nậu; Vùng rau: 200 ha; vùng hoa cây cảnh: 100 ha; vùng cây ăn quả: 190 ha; các mô hình chuyển đổi cây trồng: VAC, VA, VC, cây giống CAQ, chăn nuôi tập trung, vùng chăn nuôi trâu, bò tại các xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, vùng chăn nuôi bò thịt, vùng chăn nuôi lợn chủ yếu là lợn rừng ở các xã miền núi. 

Đến nay trên địa bàn Huyện đã phát triển được các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Trong đó, vùng sản xuất lúa chất lương cao có quy mô 690 ha tại các xã: Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải. Vùng sản xuất rau an toàn: Quy mô 285 ha tại các xã: Tiến Xuân, Phú Kim, Hương Ngải, Đồng Trúc, Hạ Bằng, Dị Nậu, Yên Bình và Yên Trung. Vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao: Quy mô trên 300 ha tại các xã: Bình Yên, Kim Quan, Lại Thượng, Yên Bình và Phú Kim, tăng so với quy hoạch của Thành phố là 110 ha.

Những vùng sản xuất chuyên canh của Huyện phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030 và Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Thành phố đã hỗ trợ huyện kinh phí 1.601.881.000 triệu đồng để thực hiện mua thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học hỗ trợ cho vùng sản xuất rau, hỗ trợ kinh phí xử lý chất thải trong chăn nuôi trên địa bàn Huyện.

Không chỉ vậy, Huyện còn triển khai mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua mở rộng các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết. Đến nay trên địa bàn Huyện đã có 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao, điển hình như mô hình nuôi lợn rừng (quy mô trên 10.000 con), trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng diện tích 12 ha ở xã Yên Bình, 15 ha ở xã Yên Trung; trồng nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, trồng hoa lily 12 ha, trồng hoa đồng tiền và một số loại hoa khác ở xã Đại Đồng; mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái ở xã Tiến Xuân; 06 mô hình sản xuất theo chuỗi điển hình như: Mô hình sản xuất 10 ha rau an toàn và mô hình trồng 15 ha khoai tây vụ xuân làm giống của HTX nông nghiệp Hương Ngải; nuôi lợn hương quy mô 50 con lợn nái, duy trì 300 con lợn thương phẩm ở xã Bình Yên; mô hình chuỗi sản xuất rau, đu đủ tại xã Dị Nậu... các mô hình liên kết cho thu nhập từ 333 - 445 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, nhà hàng, bếp ăn tập thể lớn trên địa bàn Thành phố như: Công ty Nhất Nam -  Hà Nội, Công ty CP Đầu tư An Hòa - Hà Nội,…

Với những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Mạnh Hồng, Huyện sẽ tiếp tục củng cố phát huy thế mạnh của vùng và tập trung phát triển thế mạnh chủ lực của vùng. Trong đó, các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Huyện đã được quy hoạch. Vùng chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu tại các xã với quy mô 367 ha. 

Để tiếp tục phát triển trong thời gian tới, Huyện sẽ quan tâm đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ từ hệ thống đường giao thông, điện, hệ thống kênh tưới, tiêu và nhà bảo quản, sơ chế, hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất hoa. Tập trung xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rau, cây ăn quả thế mạnh của Huyện. Khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi canh tác sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả theo khu đã quy hoạch, tạo điều kiện vay vốn cho nông dân. Từng bước định hướng sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tiến tới theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm nâng cao giá trị thu nhập. Duy trì ổn định và phát triển các vùng chăn nuôi trọng điểm; xây dựng chuỗi chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn tại các xã vùng bán sơn địa và miền núi. 

Hỗ trợ để xây dựng điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hình thành chuỗi sản xuất chế biến và tiêu thụ khép kín. Cụ thể từ nay đến năm 2025 huyện sẽ triển khai thực hiện 8 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tại vùng sản xuất rau an toàn xã Canh Nậu, Hương Ngải, Dị Nậu, Đại Đồng, Đồng Trúc, Kim Quan, Cần Kiệm, Phú Kim với tổng kinh phí 80.000 triệu đồng.

Thiện Tâm

Top