Hiệu quả từ mô hình thí điểm hỗ trợ và chuyển gửi điều trị cai nghiện ma túy

17/03/2019 12:03 AM

(Chinhphu.vn) - Thực hiện Kế hoạch số 40/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội tại quận Long Biên và quận Nam Từ Liêm”, mỗi quận lựa chọn 3 phường tham gia thí điểm. Đối tượng áp dụng gồm người sử dụng, người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định trên địa bàn các phường tham gia thí điểm; người đã hoàn thành chương trình cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc tại cơ cở cai nghiện ma túy và cộng đồng, đang thuộc diện quản lý sau cai tại cộng đồng. Thời gian thực hiện thí điểm mô hình trong các năm 2019-2020.

Mô hình này nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về việc tăng cường cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, được xác định rõ trong Đề án Đổi mới công tác cai nghiện… Hiện nay, đã có nhiều mô hình trên thế giới về việc phối hợp liên ngành, hỗ trợ người sử dụng ma túy cai nghiện ở cộng đồng. Theo đánh giá ở Mỹ năm 2017, tỷ lệ người sử dụng ma túy tham gia chương trình bị bắt giữ vì phạm pháp thấp hơn 60% so với những người không tham gia chương trình; tỷ lệ có việc làm hoặc có thu nhập cao hơn 33%. Cụ thể, với việc Việt Nam áp dụng mô hình này - trước mắt thí điểm tại Hà Nội, thành phố sẽ thực hiện chuyển gửi điều trị, hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội đối với 150 lượt người sử dụng ma túy tại các địa bàn thí điểm; hỗ trợ ít nhất một nhu cầu cắt cơn, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị thay thế, khám, xét nghiệm, điều trị viêm gan B, C, lao, HIV cho 100 lượt người sử dụng ma túy tại cộng đồng (tương đương 60-70% số người được chuyển gửi điều trị).

Ông Phùng Quang Thức, Giám đốc Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, mục tiêu chung của mô hình là phát triển mạng lưới điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo định hướng của Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, tạo điều kiện để người muốn cai nghiện ma túy sớm được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, phục hồi toàn diện tại cộng đồng. Trên cơ sở kết quả thí điểm sẽ tính toán phương án nhân rộng mô hình, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện, sử dụng ma túy và công tác cai nghiện tại cộng đồng.

Theo bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), mô hình "Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy" được thí điểm từ năm 2019 đến 2020 tại 6 phường thuộc các quận Nam Từ Liêm và Long Biên, bao gồm tổ chức tập huấn, đào tạo, lựa chọn điều phối viên thực hiện mô hình, phát hiện, tiếp cận, sàng lọc, điều trị cho người tham gia cai nghiện... Kinh phí thực hiện trong năm 2019 dự kiến là hơn 1 tỷ đồng (trong đó kinh phí ngân sách thành phố là 100 triệu đồng, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng SCDI hỗ trợ 630 triệu đồng...).

Tính ưu việt của mô hình được thí điểm lần này tập trung ở hai điểm. Thứ nhất là tăng cường sự phối hợp giữa công an và lực lượng chuyên môn. Thứ hai, đầu tư một cách có chất lượng, với sự tư vấn của các chuyên gia Mỹ hàng đầu cho lực lượng chuyên môn làm về công tác điều trị cai nghiện, thay vì làm theo kiểu phong trào. Vì vậy, điều lo ngại nhất là tư tưởng nóng vội, điều trị cai nghiện không phải một sớm một chiều mà cần có một quá trình. Nếu chỉ giúp người nghiện cắt cơn một lần, sau họ lại tái sử dụng - coi như thất bại. Nút thắt ở đây chính là sự thay đổi về tư tưởng, để mọi người hiểu rằng, nghiện là bệnh mạn tính của não bộ, cần có quá trình điều trị lâu dài và kiên trì, trong đó, vai trò của cộng đồng phải đặc biệt được phát huy trong hỗ trợ người tham gia cai nghiện.

Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 12/2/2019 về thí điểm Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý trên địa bàn thành phố Hà Nội tại quận Long Biên và quận Nam Từ Liêm năm 2019”, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, mô hình trên đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tuy nhiên, đây là lần đầu được thí điểm tại Việt Nam. Thành phố Hà Nội đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn làm địa bàn triển khai thực hiện. Do đó, để mô hình này đạt hiệu quả tốt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng, đặc biệt là 3 ngành Lao động, hương binh và xã hội, Y tế, Công an, UBND cùng các cơ quan trực thuộc UBND quận Long Biên, quận Nam Từ Liêm cùng Ban chỉ đạo 138 các phường thực hiện thí điểm.

Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh, do là mô hình mới, quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nhận thức của người dân và các cấp chính quyền. Vì vậy, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị các bên tham gia phải tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, giải quyết kịp thời những tình huống khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện trên tinh thần hợp tác để thực hiện thành công mô hình. Trên cơ sở đó để triển khai nhân rộng tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma tuý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều trị, cai nghiện ma tuý tại cộng đồng, giảm cơ bản tình trạng tội phạm về ma túy.

(Theo HN Portal)

Top