Hỗ trợ các chính sách để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

10/02/2020 4:20 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, các hợp tác xã (HTX) đang từng bước trở thành nhân tố mới, tích cực tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Tuy nhiên, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội cũng gặp một số khó khăn, cần triển khai các chính sách đồng bộ để phát triển hiệu quả hơn.

Năm 2019, Hà Nội có 2.062 hợp tác xã (HTX) và Quỹ tín dụng nhân dân (Quỹ TDND), tăng 200 HTX so với năm 2018.

Trong đó, có 1.763 HTX (gồm có: 1.135 HTX nông nghiệp, 228 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, , 37 HTX vận tải, 27 HTX loại hình khác) và 98 Quỹ TDND.

Đến cuối năm 2019, tổng số thành viên HTX trên địa bàn Thành phố là 565.912 người (tăng 0,5% so với năm 2018), tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã 47.810 người (tăng 2,07% so với năm 2018).

Hiện nay, tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã là 6.972 người, trong đó có 4.848 cán bộ quản lý đã qua đào tạo đạt trình độ sơ cấp, trung cấp và 1.474 cán bộ quản lý đã qua đào tạo trình độ cao đẳng, đại học trở lên. 100% cán bộ các Quỹ TDND đều có trình độ đạt chuẩn trung cấp trở lên và có nhiều cán bộ, lao động có trình độ đại học chính quy.

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, các HTX đang từng bước trở thành nhân tố mới, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đặc biệt trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể là đóng góp ngày công, vật liệu, tài chính vào xây dựng nông thôn mới; cùng với chính quyền xã thực hiện phân vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo điều kiện cho các hộ tổ chức sản xuất đảm bảo theo quy hoạch; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cho đông đảo thành viên và nhân dân (dịch vụ thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, quản lý chợ….).

Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đưa giá trị sản xuất bình quân tăng trên 220 triệu đồng/ha/năm, không những đóng góp vào GRDP của Thành phố mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, đa số các HTX, nhất là HTX nông nghiệp chưa có kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, vẫn tổ chức theo mô hình cũ, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ truyền thống, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, giống, vật nuôi mới vào sản xuất chậm, chưa thu hút được cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật được đào tạo về làm việc ở HTX. Các HTX phi nông nghiệp vẫn giữ phương thức bán hàng truyền thống, chưa chú trọng thiết kế kiểu dáng, mẫu mã, bao bì đẹp nên khả năng cạnh tranh còn nhiều hạn chế, tốc độ tăng trưởng chậm; liên kết, hợp tác giữa các HTX còn yếu, mô hình Liên hiệp HTX chưa phát huy được hiệu quả.

Hầu hết các HTX đều khó khăn về vốn và tiếp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, vốn vay tín dụng. Nhiều HTX còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động chưa hiệu quả.

Các HTX đều khó khăn về mặt bằng sản xuất. Nhiều HTX chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký được hợp đồng thuê đất lâu dài, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên không thể xây dựng nhà xưởng để ổn định và đầu tư phát triển.

Kiến nghị Trung ương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển HTX

Phân tích về nguyên nhân của những tồn tại khó khăn trên đây, Hà Nội cho rằng, trình độ, năng lực điều hành, tổ chức sản xuất và quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý của nhiều HTX còn yếu. Cán bộ quản lý của nhiều HTX tuổi cao, chủ yếu hoạt động bằng nhiệt tình và kinh nghiệm, khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, nắm bắt công nghệ mới hạn chế, ngại đổi mới. Cơ sở vật chất kỹ thuật của các HTX nghèo nàn, nhiều HTX không có trụ sở riêng, phải nhờ vào trụ sở UBND xã, phường, nhà văn hóa, đình chùa; sử dụng vốn của một số HTX hiệu quả thấp, chưa phát huy được nội lực.

Một số quận, huyện chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về kinh tế tập thể giữa Phòng Tài chính - Kế hoạch với Phòng Kinh tế nên việc quản lý, theo dõi, hướng dẫn thực hiện Luật HTX năm 2012 và kiểm tra hoạt động HTX còn nhiều hạn chế.

Các chính sách hỗ trợ phát triển HTX đã được Thành phố hết sức quan tâm, nhưng một số chính sách khó triển khai trong thực tiễn như chính sách về đất đai, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, xây dựng mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa.

Để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Hà Nội kiến nghị chỉ đạo các cấp ủy Đảng đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể, HTX vào văn kiện Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Trong thời gian tới, Thành phố cũng mong muốn Trung ương tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX. Trong đó, trọng tâm là bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học công nghệ mới; tiếp cận nguồn vốn; thành lập mới và tổ chức lại hoạt động của các HTX.

Thực tiễn hàng năm, thành phố Hà Nội vẫn triển khai hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các HTX. Do vậy, thành phố Hà Nội đề nghị Trung ương bổ sung nội dung hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường về đối tượng hỗ trợ là HTX, Liên hiệp HTX, hỗ trợ Xúc tiến thương mại hàng năm của tỉnh, thành phố tổ chức. Nguồn kinh phí từ Ngân sách địa phương hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cũng kiến nghị Chính phủ sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể nhằm đơn giản hóa việc giải thể các HTX ngừng hoạt động trong thời gian dài do vướng mắc về nợ thuế; đất đai; thủ tục giải thể (không thể thành lập hội đồng giải thể; con dấu, sổ sách kế toán, hồ sơ, giấy tờ liên quan bị thất lạc).

Minh Anh

Top