Hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.400 lao động nông thôn

22/02/2018 5:45 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2018, Hà Nội quyết định sẽ tiếp tục hỗ trợ 40 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn truyền nghề, cấy nghề thủ công mỹ nghệ cho khoảng 1.400 lao động nông thôn.

Cụ thể, thời gian truyền nghề, cấy nghề là 3 tháng, gắn lý thuyết với thực hành, giáo viên là các nghệ nhân, thợ giỏi có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Kết thúc truyền nghề, cấy nghề có ít nhất 1.100 lao động (tương đương 80% số lao động được truyền nghề) được các cơ sở sản xuất bố trí việc làm với thu nhập ổn định.

Đây là một trong những nội dung của Kế hoạch số 50/KH-UBND về khuyến công thành phố Hà Nội năm 2018. Ngoài nhiệm vụ trên, kế hoạch này cũng đặt ra nhiệm vụ tiếp tục tổ chức cho khoảng 1.500 chủ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tham gia 15 lớp tập huấn về các nội dung: Khởi sự doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, thiết kế mẫu mã sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và Marketing; thời gian học 2 ngày, giảng viên là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu lớn trên địa bàn Hà Nội.

Tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành thủ công mỹ nghệ giữa 50-60 cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Hà Nội với 50-60 cơ sở sản xuất, cung ứng nguyên liệu, gia công bán thành phẩm ngành thủ công mỹ nghệ các tỉnh, thành phố phía Bắc, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Hà Nội tìm được nguồn cung nguyên liệu đầu vào, gia công bán thành phẩm ổn định, có chất lượng.

Tiếp tục hỗ trợ 14 cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố có dự án đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề và các cụm công nghiệp.

Ngoài ra, Thành phố tiếp tục hỗ trợ tổ chức, tham gia hội chợ; thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu ngành thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thuê chuyên gia tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới; thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền về khuyến công và làng nghề...

Kinh phí thực hiện kế hoạch khuyến công năm 2018 của thành phố Hà Nội là 22,5 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố hỗ trợ, ngoài ra kinh phí đối ứng tự chi trả của các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành phố (trung tâm) đã hoàn thành tốt kế hoạch khuyến công, trong đó, nội dung đào tạo và phát triển nghề được xem là điểm nhấn. Cụ thể, trung tâm đã tổ chức 40 lớp truyền nghề, nhân, cấy nghề cho 1.400 lao động khu vực nông thôn, tập trung vào ngành nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) như: Mây tre đan, sơn mài, khảm trai, thêu ren, gốm sứ... Kết thúc khóa đào tạo, các học viên đã có tay nghề cơ bản, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, trên 85% học viên các lớp học nghề mây tre đan thực hiện tại huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Thạch Thất… có việc làm sau đào tạo; các lớp nghề dát vàng quỳ, sơn mài, khảm trai tại huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên… cũng có 60% - 80% học việc sau đào tạo có việc làm với thu nhập ổn định.

Cùng đó, trung tâm cũng dành nguồn lực hỗ trợ 12 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Các dự án sau đầu tư đã phát huy tốt hiệu quả, giúp doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tận dụng lợi thế có nhiều làng nghề thủ công truyền thống, trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động giúp các làng nghề, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể, đã hỗ trợ 33 doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế hàng TCMN tại Singapore, Đức, Hồng Kông; tổ chức Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng TCMN năm 2017, thu hút sự tham gia của 120 nhà nhập khẩu đến từ khắp nơi trên thế giới.

Công tác khuyến công đã góp sức vào mức tăng trưởng 11% giá trị sản xuất CNNT với trên 89.000 tỷ đồng. Số lao động công nghiệp nông thôn được tạo việc làm mới thông qua hoạt động khuyến công đạt 10.000 người với thu nhập bình quân 47,16 triệu đồng một năm. Đặc biệt, trung tâm đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở tạo ra 250 mẫu sản phẩm mới.

Năm 2018 phấn đấu đưa công tác khuyến công trở thành động lực thúc đẩy và đạt giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng 10% với khoảng 98.000 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất làng nghề tăng 10%-12%, đạt khoảng 22.000 tỷ đồng… Phấn đấu có 450-500 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề được hỗ trợ từ công tác khuyến công. Tạo ra khoảng 300 mẫu sản phẩm có thiết kế mới trong lĩnh vực TCMN, tăng 20% so với năm 2017.

Minh Anh

Top