Hội chợ Đặc sản vùng miền: Cầu nối gắn kết ‘3 nhà’

21/12/2020 2:20 PM

(Chinhphu.vn) - Qua 6 năm tổ chức, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam năm 2020 đã không ngừng đổi mới, sáng tạo về cả hình thức và chất lượng sản phẩm; tiếp tục khẳng định là cầu nối “3 nhà”: Nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng tiếp cận đặc sản của địa phương. Đây là một trong những chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm thực hiện liên kết Hà Nội với cả nước, qua đó nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường hậu nội địa COVID-19.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ. Ảnh: Minh Trang

Mới đây, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2020 đã được tổ chức tại Hà Nội với quy mô 300 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số Đại sứ quán các nước tại Hà Nội tham dự. Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu được chọn lọc khắt khe, là các sản phẩm được chỉ dẫn địa lý, chứng nhận thương hiệu, sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Trong đó lần đầu tiên có 54 tỉnh thành phố trực tiếp tham gia tổ chức “Gian hàng đặc sản” của địa phương tại Hội chợ.

Như vậy, qua 6 năm tổ chức, quy mô gian hàng ngày càng được mở rộng, với con số năm 2014 chỉ với 120 gian hàng. Điều này chứng tỏ Hội chợ đã có sức lan tỏa lớn tới tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

Các hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ gồm quảng bá, giới thiệu sản phẩm; giao dịch kết nối doanh nghiệp; không gian trình diễn ẩm thực; biểu diễn nghệ thuật, văn hóa vùng miền... đã thu hút sự quan tâm tham gia và tạo ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng, du khách.

Không chỉ mở rộng về quy mô, tại Hội chợ lần này còn diễn ra các hoạt động giao thương, kết nối, tư vấn doanh nghiệp có sự tham gia của các nhà phân phối lớn (AEON, Central Group, Lotte…); các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, nhà sản xuất… Ngoài ra còn có phần trình diễn sản phẩm, quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch; trình diễn tay nghề của các nghệ nhân làng nghề; thưởng trà Vùng Tây Bắc, quy trình sao tẩm chè sạch từ các vùng chè nổi tiếng và giới thiệu văn hóa trà; trình diễn ẩm thực các vùng miền, quảng bá thương hiệu đặc sản trái cây: Cam (Cao Phong, Hà Giang, Hàm Yên); xoài Cao Lãnh; cà phê (Buôn Ma Thuột); sâm Ngọc Linh (Quảng Nam) ....

Hội chợ thu hút sự quan tâm, tạo ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng và du khách. Ảnh: Minh Trang

Có thể thấy, qua 6 năm tổ chức, Hội chợ luôn được đổi mới, nâng lên về chất lượng, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tỉnh, thành phố trong cả nước và người tiêu dùng Thủ đô đón nhận; là cầu nối giao thương cho nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chế biến trong nước với các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp, địa phương đều đánh giá cao vai trò của hội chợ, khẳng định đây là cơ hội quan trọng để quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.

Là doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia Hội chợ, ông Hồ Xuân Thắng, đại diện của Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Phát (Quy Nhơn, Bình Định) cho biết: “Đến với Hội chợ, Công ty tôi ngoài mang các sản phẩm thủy hải sản, đặc sản của vùng biển Bình Định, còn có những sản phẩm nông sản chế biến sạch, trồng từ vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên như trà (trà khô, trà túi lọc), ca cao, artiso. Công ty có nhà phân phối ở nhiều tỉnh miền trung và Tây Nguyên, nhiều nhất là Đà Lạt, và lần này tham gia Hội chợ Đặc sản vùng miền để mở rộng thị trường ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc”.

“Ngay trong buổi chiều đem giới thiệu sản phẩm, đã có nhiều nhà phân phối đến gặp gỡ, tìm hiểu về sản phẩm và hẹn sẽ vào tận nơi sản xuất để tham quan, tìm hiểu thêm”, ông Hồ Xuân Thắng cho biết thêm.

Báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) cho thấy, sau 5 ngày diễn ra, Hội chợ đã thu hút gần 90.000 lượt khách thăm quan, mua sắm. Doanh thu bán hàng của các đơn vị ước tính đạt hơn 80 tỷ đồng. Ngoài doanh thu bán lẻ, các hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các Nhà phân phối, đại lý với các doanh nghiệp sản xuất, cụ thể: hơn 80 hợp đồng đại lý, hơn 300 thỏa thuận, biên bản ghi nhớ, hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm được ký kết với tổng trị giá khoảng 200 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA), đơn vị tổ chức Hội chợ cho biết, mỗi năm thu hút hàng trăm gian hàng của trên dưới 100 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong nước, hiện nay Hội chợ Đặc sản vùng miền không chỉ còn là nơi quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng cho người dân Hà Nội, mà đã trở thành một cơ hội lớn cho các nhà sản xuất tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, giúp cho người dân có thói quen tiêu dùng hàng Việt, nâng cao chất lượng sản phẩm của đặc sản Việt.

Minh Trang

Top