Hội nông dân: Sức hút từ hiệu quả kinh tế

18/03/2016 3:30 PM

(Chinhphu.vn) – Vai trò của Hội Nông dân TP Hà Nội ngày một được nâng cao, đặc biệt trong chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM). Sự phát triển tích cực của hội đang tạo động lực ngay cho từng hội viên để tham gia phát triển sản xuất. Việc cải thiện đời sống, kinh tế của từng hội viên đang mang lại sức hút rất lớn cho Hội nghề nghiệp này trên địa bàn thủ đô.

Sản xuất theo tổ, nhóm trong Hội Nông dân đang nhận được nhiều chính sách ưu đãi của TP, hướng người dân đến kinh tế tập thể. Ảnh: Đỗ Hương

Rút ngắn khoảng cách nông thôn – thành thị

Huyện Thanh Oai có trên 17 vạn dân với số lượng nông dân chiếm đến 80%. nhân dân trong toàn huyện đã hiến được 12,8 ha đất nông nghiệp, trên 4.000 m2 đất thổ cư để làm đường giao thông thôn xóm và giao thông nội đồng.

Bên cạnh đó, xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng nhằm hướng tới xây dựng đời sống người dân vùng nông thôn kéo dần khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Vì vậy, nhiều chương trình hành động được gắn liền, tạo sự liên kết giữ công tác tuyên truyền, vận động để giúp người dân nâng cao nhận thức, có những đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Bà Phùng Thị Hồng Hà, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai cho biết, trong 5 năm qua, vai trò của Hội Nông dân huyện rất tích cực, đặc biệt là công tác dân vận khéo luôn được duy trì, đồng hành cùng nhân dân tham gia đóng góp công sức với trên 100 tỷ đồng và 30.180 ngày công lao động xây dựng các công trình phúc lợi công cộng trong thôn, xóm, cụm sân cư như xây dựng đường làng, ngõ xóm, kiên cố hóa kênh mương, vệ sinh môi trường, nâng cấp nhà văn hóa, tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, các công trình đình chùa, đền, miếu, nhà thờ…

“Do có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban ngành, đoàn thể trong hệ thống dân vận, tăng cường mối liên kết 4 nhà nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý giúp đỡ nông dân nên đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Sự gắn kết chặt chẽ này đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, điều kiện sống dần được thu hẹp khoảng cách vói nhiều nơi trong nội đô Hà Nội”, bà Hà nhìn nhận.

Bên cạnh dân vận khéo trong vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM, Hội Nông dân của huyện đã chủ động bắt tay với các đoàn thể triển khai nhiều mô hình “dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực khác như: Hội Cựu chiến binh huyện với mô hình “Khéo tuyên truyền vận động hội viên thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, xây dựng phong trào cơ sở Hội trong sạch, vững mạnh, hội viên gương mẫu”; Hội Phụ nữ tham gia “vận động hội viên phụ nữ thực hiện mô hình “Lợn nhựa tiết kiệm, hũ gạo tiết kiệm”; Uỷ ban MTTQ các cấp với mô hình khu dân cư “xanh, sạch, đẹp, an toàn”…

Không chỉ tại Thanh Oai, Hội nông dân nhiều huyện, xã đã phát huy vai trò của mình trong công cuộc xây dựng NTM. Đặc biệt, trong năm 2015, HND thành phố đã phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện “Năm trật tự, văn minh đô thị”. Tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; thi đua xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh, thi đua đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững....

Mô hình nuôi cá lồng bè được Hội Nông dân hướng dẫn và chuyển giao cho nông dân, tạo ra một hướng sản xuất mới cho người nuôi thủy sản thủ đô. Ảnh: Đỗ Hương

Chủ động phối hợp

Ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội nông dân Hà Nội cho biết: “Trong năm vừa qua, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức 4 hội nghị, tọa đàm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả xây dựng NTM. Đặc biệt chúng tôi đã kêu gọi được nhiều “mạnh thường quân” để tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt thu hút đông đảo các hộ nông dân tham gia và có hiệu quả rõ rệt trong đời sống kinh tế của hội viên”.

Hội cũng phối hợp tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền, tổ chức hoạt động với sự tham gia của hàng trăm nghìn hội viên nông dân trong đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông, giải phóng mặt bằng, thực hiện công tác dân số kế hoạch hoá gia đình...

Ngoài ra, Hội đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố thực hiện tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tham gia đầy đủ các hoạt động, các đợt kiểm tra, giám sát, các hội nghị do Ban chỉ đạo tổ chức. Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức về bình đẳng giới và tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

Đặc biêt chú trọng trong công tác đào tạo nghề cho nông dân, Hội Nông dân TP đã phối hợp một số đơn vị như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Sở Công thương khai giảng 320 lớp dạy nghề cho 11.205 hội viên nông dân, 76 lớp khuyến công cho 2.620 người tạo việc làm mới và giới thiệu việc làm cho trên 8.200 hội viên. Các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các đơn vị vận động hội viên, nông dân tương trợ, giúp đỡ các hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho hội viên nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp Tết nguyên đán Ất Mùi với 4.329 suất quà trị giá 1,57 tỷ đồng. 

Ông Khiết phấn khởi cho biết: “Có được nguồn lực từ các nhà tài trợ và chính các hội viên phát triển kinh tế, Hội đã phối hợp với các ngành sửa chữa 176 nhà cho các gia đình chính sách, trị giá 4,407 tỷ đồng; trao 26 sổ tiết kiệm trị giá 26 triệu đồng, tặng 1.741 suất quà trị giá trên 400 triệu đồng, vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” số tiền 858,2 triệu đồng.... Đó là những thành quả bản thân lãnh đạo Hội cũng thấy có động lực để hoạt động, không chỉ giúp mỗi hội viên nông dân ấm lòng, mà mọi người tham gia hội đều có động lực thi đua lao động để nâng cao đời sống cho chính bản thân mình và gia đình”.

Đỗ Hương

Top