Hơn 70% khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý đất đai

16/10/2017 4:25 PM

(Chinhphu.vn) - Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, đánh giá của TP. Hà Nội cho thấy, nhận thức của chính quyền cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực.

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị. Ảnh: Gia Huy

Chiều 16/10, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). 

Người đứng đầu chịu trách nhiệm về KNTC 

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Ban Nội chính Thành uỷ Hà Nội, trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, Thành uỷ, UBND Thành phố và các địa phương, đơn vị đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ đảng, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và chịu trách nhiệm về tình hình KNTC trên địa bàn.

Lãnh đạo cấp uỷ, UBND các cấp và thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã cơ bản duy trì thực hiện nghiêm chế độ thủ trưởng đơn vị trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với xử lý, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản án của công dân; chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân. 

Theo ông Nguyễn Quang Huy, cấp uỷ ở một số địa phương đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, bảo đảm sự tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện. Lãnh đạo UBND Thành phố đã thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ vào ngày thứ Ba, tuần thứ 3 hàng tháng tại địa điểm 34 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và số 20 phố Hoàng Diệu, quận Hà Đông.

Thành phố cũng đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức đối thoại với công dân ngay tại cơ sở để nắm rõ nguyện vọng của các công dân, có biện pháp giải quyết cụ thể. Đồng thời kiên quyết xử lý công dân khiếu kiện tập trung, đông người gây mất trật tự tại nơi công cộng, vi phạm các quy định của pháp luật.

Lãnh đạo các cấp uỷ địa phương, đơn vị đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, địa bàn, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền khi thực thi công vụ, đặc biệt là ở địa phương, lĩnh vực có tình hình khiếu kiện phức tạp; tăng cường kiểm tra, đôn đốc cấp dưới chỉ đạo giải quyết các vụ việc KNTC kịp thời, đúng quy định pháp luật ngay từ khi mới phát sinh. Đồng thời, kết hợp giải quyết KNTC với việc xử lý nghiêm túc đối với cán bộ sai phạm.

Còn nhiều vụ việc KNTC tồn đọng 

Về kết quả công tác tiếp công dân, trong 3 năm thực hiện, lãnh đạo UBND Thành phố đã tiếp công dân định kỳ tại trụ sở tiếp công dân tổng số 1.745 lượt công dân; lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp trên 30 nghìn lượt công dân. Các cơ quan hành chính của Thành phố đã tiếp trên 110 lượt công dân đến KNTC; trong đó có 1.576 đoàn đông người (từ 15 người trở lên/đoàn) đến KNTC, kiến nghị, phản ánh.

Trong việc giải quyết khiếu nại, với tổng số 3.439 vụ việc, đã giải quyết 3.303 vụ, đạt tỷ lệ trung bình hàng năm là 90%. Kết quả giải quyết tố cáo cho thấy, tổng số vụ việc là 1.467 vụ việc, đã giải quyết 1.345 vụ, đạt tỷ lệ trung bình hàng năm 82%.

Đánh giá sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, ông Nguyễn Quang Huy cho biết, qua giải quyết KNTC, các cơ quan hành chính nhà nước của Thành phố đã kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm liên quan đến công tác quả lý đất đai, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của của công dân, góp phần ổn định tình hình và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.

Một trong những hạn chế trong giải quyết KNTC được TP. Hà Nội xác định là một số cấp uỷ, tổ chức đảng; chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết KNTC; chưa tổ chức tiếp công dân định kỳ, chủ yếu giao cấp phó thực hiện. Chất lượng tiếp công dân và giải quyết KNTC của cấp huyện, cơ sở còn hạn chế, có địa phương, cơ sở tiếp công dân qua loa, đại khái cho xong việc. Đơn thư giải quyết không dứt điểm mà đùn đẩy lên trên.

Tại hội nghị, nguyên nhân của KNTC được các đại biểu nêu lên chủ yếu là liên quan đến quản lý đất đai, theo ông Nguyễn An Huy, Phó Chánh Thanh tra Thành phố, trong những năm qua, tình hình KNTC trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn tình trạng kiếu kiện đông người. Nội dung khiếu nại tố cáo chủ yếu liên quan đến công tác bồi thường sau giải phóng mặt bằng, dồn điền đổi thửa... chiếm khoảng 70%. 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh, hầu hết vụ KNTC liên quan đến quản lý đất đai như: Bán đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp...

 

"Có tình trạng ở các huyện ngoại thành giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, có trục đường sắp mở là ào ào ra lấn chiếm xây dựng, phải chăng có sự bao che, dung túng của cơ sở, nể nang của cấp ủy trong việc xem xét xử lí", ông Nguyễn Hoài Nam nêu ý kiến.

Theo ông Nam, nhận thức của một số cấp uỷ chính quyền trong công tác giải quyết KNTC còn hạn chế. Qua công tác giám sát, chọn chuyên đề xem xét các vụ KNTC đã có quyết định, việc tồn đọng qua nhiều năm rất lớn, còn 181 vụ khiếu nại còn tồn đọng, 97 vụ tố cáo còn đang tồn đọng.

Ông Nguyễn Hoài Nam cũng thẳng thắn nhận định: "Phải chăng nhận thức chính quyền đang ngại giải quyết các vụ tồn đọng bởi đây là những vụ phức tạp, nhiều vụ liên quan từ những vụ khoá trước để lại hoặc liên quan cán bộ hết nhiệm kỳ". Theo ông Nam, nguyên nhân của sai phạm cần mạnh dạn chỉ ra rằng có sự bao che dung túng của một bộ phận cán bộ cơ sở bởi không kịp xử lý ngay từ đầu, vì vậy phải chỉ rõ ra nguyên nhân để có biện pháp giải quyết các vụ tồn đọng tốt hơn.

Gia Huy

Top