HTX Bắc Sơn-Khởi nghiệp từ những thanh niên dám nghĩ, dám làm

19/10/2017 11:19 AM

(Chinhphu.vn) - Trải qua nhiều khó khăn khi quyết định nuôi thỏ, đến nay Giám đốc Hợp tác xã thanh niên lập nghiệp Bắc Sơn Trần Đình Hùng đã gặt hái được nhiều thành công, với doanh thu mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng và tạo nhiều công ăn việc làm cho thanh niên trong xã.

Trại chăn nuôi thỏ của anh Hùng cho thu nhập hàng trăm triệu một năm. Ảnh: Minh Nhung

Đến thăm trang trại nuôi thỏ của anh, trước mắt chúng tôi là khu chuồng nuôi được trang bị kiên cố, hiện đại với hệ thống quạt gió, giữ ấm, làm mát và nền chuồng bằng xi măng bảo đảm vệ sinh. Khu nuôi được chia tách khoa học với khu dành cho thỏ hậu bị và khu nuôi thỏ sinh sản. Việc xử lý chất thải cũng được anh Hùng rất chú trọng khi xây dựng hệ thống bể chứa biogas.

Chia sẻ với phóng viên, anh Trần Đình Hùng, sinh năm 1987, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn cho biết, trước khi quyết định việc nuôi thỏ để làm giàu anh đã đi làm cho một công ty với thu nhập tương đối khá. Nhưng với ước muốn vươn lên lập nghiệp từ chính quê hương, anh đã nghỉ làm công ty và chọn mua giống thỏ Newzealand để nuôi. Không chọn những con giống khác, vì theo anh Hùng, tiền đầu tư nuôi thỏ không cao như nuôi bò hay nuôi lợn và việc nuôi những con giống này cũng gặp nhiều khó khăn do vấn đề tiêu thụ và sẽ gặp nhiều rủi ro. Nuôi thỏ Newzealand có nhiều ưu điểm hơn so với các giống thỏ khác nhờ khả năng sinh trưởng, phát triển nhanh, lượng sinh sản cũng nhiều hơn và cho chất lượng thịt thơm ngon…

Sau 3 năm nuôi thỏ với nhiều khó khăn, do lúc đầu còn thiếu kinh nghiệm và chưa quen với việc nuôi thỏ nên đàn thỏ của anh thường xuyên bị mắc bệnh và chết nhiều. Lúc đầu anh rất nản, có những thời điểm đã tưởng bỏ lửng giữa chừng. Nhưng đến năm 2014, anh đã quyết tâm đầu tư xây dựng chuồng trại với quy mô khép kín và bài bản. Sự đầu tư của anh đã được đền đáp xứng đáng. Hiện nay, trong chuồng của gia đình anh luôn có khoảng 200 nái thỏ, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn thỏ giống, vì thỏ rất mắn đẻ, trung bình một con thỏ sẽ đẻ 7-8 lứa/năm, mỗi lứa cho 6-7 con. Do vậy thu nhập trung bình hàng năm của gia đình anh thu được từ nuôi thỏ khoảng 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn tăng gia sản xuất và có nguồn thu thêm từ việc trồng chè xanh, nuôi chim bồ câu và ếch Thái Lan.

Theo anh Hùng, thỏ là loại vật rất dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh bại huyết (xuất huyết đường ruột), bệnh này khiến thỏ chết rất nhanh. Với đặc tính cần chăm sóc kỹ lưỡng hơn các loại vật nuôi khác nên việc tiêm phòng bệnh luôn được anh Hùng quan tâm, đặt lên hàng đầu. Để nuôi thỏ sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, thì thức ăn của thỏ phải được bảo đảm vệ sinh, không thấm nước hay bị bẩn. Đặc biệt, do nhu cầu về nước uống của thỏ cao hơn các loại động vật khác, mỗi con dùng từ 50 –200ml nước một ngày nên anh Hùng đã xây dựng hệ thống lọc nước uống nước tự động.

Riêng đối với thỏ sinh sản, anh có bảng ghi chép cẩn thận về ngày phối giống cho từng thỏ cái. Theo kinh nghiệm của anh Hùng, đến gần ngày thỏ đẻ có hiện tượng nhổ lông làm ổ nên người nuôi phải biết để túc trực, quan sát, bảo đảm sức khỏe cho cả thỏ mẹ và thỏ con.

Nhờ hệ thống chuồng trại và thức ăn bảo đảm hợp vệ sinh cùng với áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đàn thỏ của gia đình anh Hùng không bị chết do dịch bệnh, tránh được rủi ro như hồi đầu mới bắt tay vào nuôi thỏ.

Xây dựng HTX từ những thanh niên

Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh và nhận thấy vai trò cần thiết trong việc liên kết, tháng 10/2014, anh Hùng đã cùng những thanh niên có chí làm giàu trong xã đã đứng ra thành lập Hợp tác xã thanh niên lập nghiệp Bắc Sơn-những thanh niên vươn lên và khởi nghiệp từ làng. Đến nay, thành viên của Hợp tác xã đã lên đến 21 người, trong đó nông nghiệp là nghề sản xuất kinh doanh chính của Hợp tác xã, với thế mạnh là thỏ Newzealand và ếch Thái Lan.

Không phụ công sức và ý chí của những người con làm giàu cho mảnh đất quê hương, ông Cao Xuân Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, xã luôn ghi nhận sự nỗ lực và những đóng góp của HTX thanh niên lập nghiệp Bắc Sơn trong phát triển kinh tế tập thể của xã. Nhiều thanh niên, lao động đã có thêm công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho đời sống người dân.

Thông qua hình thức cung cấp đầu vào gồm con giống, thuốc thú y, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi thỏ, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chuồng trại đúng quy cách và bao tiêu đầu ra theo hợp đồng.Tính đến nay, Hợp tác xã đã liên kết chăn nuôi thỏ với nhiều đơn vị ở huyện Việt Yên – Bắc Giang với 500 thỏ nái; huyện Bắc Mê – Hà Giang với 200 nái và xã Bắc Phú của huyện Sóc Sơn. Đặc biệt, Hợp tác xã chỉ thu mua thỏ được kỹ thuật của công ty xăm tai từ khi tách mẹ và sát sao với số lượng thỏ sinh ra ở mỗi đơn vị. Nhờ việc liên kết chặt chẽ, với chất lượng thỏ giống đồng đều, có uy tín nên thỏ của Hợp tác xã thanh niên lập nghiệp Bắc Sơn đến nay đã trở thành đơn vị cung ứng thỏ giống cho nhiều dự án của Trung ương Hội nông dân Việt Nam và một số tỉnh, thành trong cả nước.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả song hiện nay Hợp tác xã cũng còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề huy động nguồn vốn, mở rộng mô hình. Nhưng với quyết tâm cao cùng sự đoàn kết của các thành viên trong Hợp tác xã, trong thời gian tới, theo anh Trần Đình Hùng, Hợp tác xã sẽ huy động thêm nguồn vốn để xây dựng thương hiệu thỏ Bắc Sơn cũng như khu giết mổ, sơ chế, cấp đông thỏ thịt để cung cấp ra ngoài thị trường, tiêu thụ tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị. Bên cạnh đó sẽ triển khai dự án trồng cà chua trái mùa theo quy trình Vietgap, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hi vọng với sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm và hướng đi đúng đắn, Hợp tác xã thanh niên lập nghiệp Bắc Sơn sẽ ngày càng mở rộng và phát triển.

Minh Nhung

Top