HTX Công nghệ cao và những nỗ lực của ngành nông nghiệp

24/04/2019 3:05 PM

(Chinhphu.vn) – Hợp tác xã công nghệ cao (HTXCNC) hiện còn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các HTX nói chung. Tuy nhiên hướng phát triển HTXCNC lại là hướng đi mà nông nghiệp Hà Nội đang theo đuổi và bước đầu đã có những thành quả rõ nét.

Đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 908 HTX hoạt động hiệu quả - Ảnh: Đỗ Hương

Từ yêu cầu về chất lượng

Là địa phương có mức dân số và trung bình thu nhập khá cao của cả nước, thị trường Hà Nội đòi hỏi các sản phẩm phải đa dạng và đảm bảo chất lượng. Riêng đối với những sản phẩm nông nghiệp là nhóm ngành hàng thiết yếu, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nên người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn các sản phẩm.

Các sản phẩm nông nghiệp để đảm bảo chất lượng đòi hỏi một chế độ sản xuất, canh tác theo tiêu chuẩn. Đặc biệt khi đưa các sản phẩm này ra thị trường thì đòi hỏi sự sản xuất hàng hóa ngày một nâng cao. Để đảm bảo các yếu tố này, các HTXCNC ra đời đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp cho người tiêu dùng.

Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành, những năm qua, trên địa bàn thành phố có nhiều hợp tác xã đã liên doanh, liên kết với nông dân ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những chuỗi nông sản chất lượng cao. Đến nay, toàn thành phố đã có hơn 60 hợp tác xã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, hữu cơ; 43 hợp tác xã nông nghiệp gắn sản xuất với chuỗi giá trị bền vững. 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khắc nghiệt, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do đô thị hóa và sức cạnh tranh khốc liệt của thị trường khi hội nhập, việc phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC là hướng đi tất yếu. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Mặc dù là Thủ đô, song Hà Nội có diện tích đất sản xuất nông nghiệp tương đối lớn, trên 150.000ha. Tính đến nay, toàn Thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được gần 79.000ha, tạo điều kiện cho ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa CNC, cơ giới hóa vào sản xuất.

Sau dồn điền đổi thửa, trên địa bàn Thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau an toàn, hoa, cây ăn quả, lúa chất lượng cao, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn, trong đó đã có một số trang trại trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng CNC cho năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập cao. Cụ thể, đối với chăn nuôi là áp dụng giống mới, công nghệ chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ, còn đối với trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm…

Hiện Thành phố có 24 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đa số các tổ hợp tác đều duy trì tốt hoạt động phục vụ cho tổ viên. Các huyện lựa chọn các tổ hợp tác có hiệu quả để tuyên truyền, vận động nâng cấp thành lập hợp tác xã.

Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ thông tin, Thành phố đã xây dựng cơ chế hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất công nghệ cao, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã đổi mới hoạt động, phát huy hiệu quả vai trò cầu nối trong liên kết với nông dân. Đặc biệt, ở hầu hết địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27-4-2018. Theo đó, trong quá trình đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, những khó khăn, vướng mắc của từng hợp tác xã sẽ được chính quyền sở tại và các sở, ngành cùng tháo gỡ khi có kiến nghị cụ thể.

Phát huy sự chủ động của các HTXCNC

Tuy nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao rất lớn nhưng thực tế thị trường khá rải rác và đòi hỏi các nhà cung ứng phải nắm bắt và biết tạo sự liên kết. Chính vì vậy, tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song đến nay việc liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của nhiều hợp tác xã còn hạn chế. Quy mô sản xuất của nhiều hợp tác xã còn nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, chưa năng động trong ứng dụng khoa học kỹ thuật…

Thực tế, đầu ra cho sản phẩm nông sản chất lượng cao cũng đang là bài toán khó của nhiều hợp tác xã. Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) Lê Hồng Minh cho biết, hiện mỗi ngày hợp tác xã bán ra thị trường khoảng 5 tấn rau, củ, quả, tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% sản lượng được cung ứng vào hệ thống chuỗi rau an toàn. Còn lại, xã viên phải bán cho thương lái hoặc tự tiêu thụ.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, nguyên nhân của những hạn chế trên xuất phát từ việc chưa chủ động trong đổi mới mô hình hoạt động của một số hợp tác xã nông nghiệp; không xây dựng được chiến lược sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cơ chế, chính sách cho các hợp tác xã tiếp cận vốn để sản xuất và mở rộng thị trường còn nhiều bất cập, khâu quảng bá, xúc tiến thương mại còn hạn chế…

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư đánh giá: "Bản thân các hợp tác xã cũng cần chủ động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu. Quan trọng là phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ quản lý theo hướng trẻ hóa, nhanh nhạy trong nắm bắt sản xuất - kinh doanh, nhất là về đầu ra cho nông sản". Đối với vấn đề tiêu thụ, ông Lê Văn Thư cho biết, hiện Liên minh Hợp tác xã Thành phố đã ký kết chương trình hoạt động với 8 tỉnh, thành phố về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể. Thông qua chương trình này, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội sẽ giúp các hợp tác xã có sản phẩm chất lượng cao liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố mở rộng kênh phân phối, qua đó tạo hiệu ứng tích cực để tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất chất lượng cao.

Tại Quyết định 579/QĐ-UBND ngày 30/01/2019, Hà Nội phấn đấu có trên 30 HTX nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp do ứng dụng công nghệ cao lên hơn 2 lần so với phương thức thông thường.

Đồng thời, Thành phố cũng đặt mục tiêu duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của trên 500 HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Đến năm 2020, có 908 HTX hoạt động hiệu quả.

Để thực hiện tốt những mục tiêu đã đặt ra, nhiệm vụ trọng tâm là cần xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với 45 HTX yếu kém đã ngừng hoạt động, tập trung nhiều ở 10 quận, huyện và thị xã: Sơn Tây, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Hoàng Mai.

Theo Sở NN&PTNT, định hướng đến năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Trung tâm Giống thủy sản CNC (xã Trần Phú – Chương Mỹ), 3 DN nông nghiệp ứng dụng CNC được Bộ NN&PTNT công nhận…

Liên quan tới thu hút DN đầu tư vốn phát triển nông nghiệp CNC, theo đại diện Sở Tài chính, vấn đề cơ chế chính sách được coi là trọng tâm hàng đầu. Trước tiên, các địa phương cần phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch phát triển sản xuất để có định hướng bố trí, kêu họi thu hút đầu tư.

Ông Phạm Văn Khương – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết thêm, làm nông nghiệp CNC không thể một sớm một chiều và cần phải có lộ trình cụ thể. Một thông tin đáng chú ý, hiện nay, UBND TP đã giao Sở NN&PTNT chủ trì rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ. Trên cơ sở quy hoạch sẽ xây dựng một bộ cơ chế chính sách hoàn chỉnh, phù hợp, tạo thuận lợi cho việc thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng CNC.

Đỗ Hương

Top