Hướng tới ngày bầu cử thành công

29/04/2016 9:28 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội vừa tiến hành hàng loạt cuộc kiểm tra, giám sát đối với các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị về công tác chuẩn bị, tổ chức bầu cử. Tất cả đã và đang nỗ lực để sẵn sàng cho một ngày bầu cử thành công tốt đẹp.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 của Thành uỷ Hà Nội. Ảnh: Linh Vũ

Kiểm tra, giám sát nhiều cấp

Thành uỷ Hà Nội đã thành lập 16 đoàn kiểm tra do các 4 đồng chí Phó Bí thư Thành uỷ và 12 Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ dẫn đầu. 16 đoàn được phân công kiểm tra, theo dõi và giúp đỡ 60 cấp uỷ trực thuộc Thành uỷ tổ chức bầu cử, chịu trách nhiệm trước Thành uỷ về công tác tổ chức bầu cử tại các cấp uỷ được phân công cho đến khi tổ chức thành công sự kiện quan trọng này. Trong khi đó, Hội động Nhân dân thành phố cũng đã tổ chức các đoàn giám sát đối với một số địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm kịp thời chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác chuẩn bị, tổ chức bầu cử.

Nhằm bảo đảm các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng Luật Bầu cử, cấp uỷ các quận, huyện, thị cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra do các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Quận, Huyện, Thị uỷ làm trưởng đoàn vừa kiểm tra, vừa giúp cơ sở giải quyết khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới phát sinh. Ví dụ, Huyện uỷ Chương Mỹ tổ chức 10 đoàn kiểm tra do 10 Uỷ viên Thường vụ Huyện uỷ phụ trách; Quận uỷ Hà Đông tổ chức 17 đoàn kiểm tra tương tự…

Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ thành phố đã tổ chức 35 đợt kiểm tra, giám sát tại các địa phương về công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử.

Coi trọng công tác nhân sự

Theo Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND phường Cống Vị (quận Ba Đình) Phạm Thị Thạch Bích, Đảng uỷ phường đã chỉ đạo đưa nội dung về bầu cử vào sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Việc triển khai sớm xuống cơ sở đã thu hút sự quan tâm và đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác nhân sự. “Ngay từ hiệp thương lần 1 chúng tôi đã thấy nhân dân rất quan tâm đến vấn đề nhân sự, nên đã có những sự lựa chọn chính xác.”- đồng chí Bích nói. Đến nay, toàn bộ phương án nhân sự cán bộ chủ chốt của quận Ba Đình và 14 phường đã được Ban Thường vụ Quận uỷ thông qua. Phương án bổ sung thêm 1 Phó chủ tịch HĐND quận theo luật mới cũng đã sẵn sàng, bảo đảm chất lượng.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi cho hay, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân sự đã được quận quan tâm đặc biệt. Ban Thường vụ Quận ủy đã kịp thời rà soát, bổ sung quy hoạch chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND quận để phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu HĐND quận nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại huyện Ứng Hòa, trao đổi với đoàn kiểm tra của Thành uỷ, lãnh đạo huyện cho biết, có 4 xã chỉ dự kiến nhân sự theo cơ cấu cứng, không có số dư. Trước tình huống này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn cho biết, Ủy ban bầu cử huyện đã yêu cầu 4 xã phải điều chỉnh, bổ sung nhân sự cho đủ. Trong khi chờ Trung ương phản hồi về đề xuất điều chỉnh phân loại xã, phường, các cấp uỷ địa phương đã tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề thừa Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Phó Bí thư Thành uỷ Đào Đức Toàn trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Quận uỷ Hai Bà Trưng, nơi có 12 phường loại 2 đã nêu rõ yêu cầu: phải rà soát, phân tích kỹ từng trường hợp, có giải pháp bảo đảm ổn định ngay từ cơ sở.

Trong khi đó, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Vũ Hồng Khanh khẳng định: “Kỳ bầu cử này không khí dân chủ cao hơn, số lượng người tự ứng cử cũng cao hơn.” Còn Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, chất lượng ứng cử viên rất quan trọng, là cơ sở để có chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Thành phố đã, đang và sẽ làm hết sức để lãnh đạo về công tác cán bộ bảo đảm dân chủ, đúng luật. Tuy nhiên, kết quả nhân sự cuối cùng phụ thuộc vào sự lựa chọn của cử tri. Nên các cấp uỷ phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để cử tri nắm bắt, lựa chọn người xứng đáng nhất để bầu vào các cơ quan dân cử.

Tạo không khí phấn khởi, đồng thuận

Phản ánh với các đoàn kiểm tra của Thành uỷ, giám sát của HĐND thành phố, các địa phương đều khẳng định, dư âm thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt là Đại hội XII của Đảng đang tiếp tục đem lại bầu không khí tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân. Đây là điều kiện rất tốt để tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Mặc dù vậy, các địa phương đã và đang tập trung làm nhiều công việc nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi hướng tới cuộc bầu cử. Các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã sớm nắm bắt tình hình, có giải pháp cụ thể để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Không chỉ thành lập các tiểu ban, phân công rõ người, rõ việc, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương còn trực tiếp chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để giải toả những “điểm nóng”, những nơi có nguy cơ trở thành “điểm nóng”.

Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết, trong vòng 2 tuần, quận đã tổ chức 4 cuộc họp phối hợp với Tây Hồ, Cầu Giấy để bảo đảm công tác quản lý các khu vực giáp ranh. Nhờ chủ động giải quyết tốt các vấn đề dân sinh bức xúc, tình hình trên địa bàn quận trung tâm Thủ đô nhìn chung ổn định, đơn thư hầu như không có. Tinh thần chỉ đạo của quận là tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo giữ tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để phát sinh điểm nóng trong dịp bầu cử. Tại huyện Ứng Hoà, đồng chí Dương Đình Kháng, Tiểu ban giải quyết khiếu nại tố cáo huyện cho biết, tiểu ban phân công bộ phận tiếp dân thường xuyên, nhận thông tin phản ánh. Mọi việc vẫn đang được nắm bắt theo kế hoạch.

Tuy nhiên, trong các cuộc kiểm tra, giám sát, lãnh đạo thành phố đều lưu ý các cấp uỷ địa phương, các cơ quan, đơn vị tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 của Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo: Các cấp uỷ phải lãnh đạo chủ động xây dựng phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối trước, trong và sau ngày bầu cử; phải có kế hoạch kịp thời giản quyết các bức xúc của nhân dân. Chủ tịch UBMTTQ TP Vũ Hồng Khanh lưu ý, tâm lý chủ quan rất dễ nảy sinh khi những “điểm nóng” lặng xuống. Nhưng “điểm nóng” bùng lên lúc nào thì không ai biết trước trừ khi phải bám sát địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình. Vì vậy, các địa phương cần chú ý, về mặt nguyên tắc vẫn rà soát kỹ những nơi có đơn thư, trước bầu cử phải tiếp xúc với người dân để nắm lại xem có kiến nghị gì mới không.

Linh Vũ

Top