Huyện Mỹ Đức: Tồn đọng 328 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi

22/07/2018 2:19 PM

(Chinhphu.vn) - Ban Chỉ đạo Xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi huyện Mỹ Đức vừa rà soát tình hình xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Mỹ Đức 6 tháng đầu năm 2018.

Qua rà soát, tổng số vi phạm, tính đến thời điểm 30/6, trên địa bàn huyện là 506 vụ (bao gồm các vụ tồn tại đến 31/12/2017 là 497 vụ, các vụ phát sinh mới năm 2018 là 8 vụ, 1 vụ phát sinh cuối năm 2017, nhưng năm 2018 mới tống hợp báo cáo), trong đó: Thủy lợi 318 vụ, đê điều 188 vụ. Số vi phạm đã giải tỏa 6 tháng đầu năm 2018 là 178 vụ gồm: Thủy lợi 173 vụ, đê điều 5 vụ. Số vi phạm còn tồn tại tính đến thời điểm 30/6 là 328 vụ (đê điều 183 vụ, thủy lợi 145 vụ).

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2018, công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi đã có chuyển biến tích cực. Số vi phạm phát sinh mới năm 2018 giảm nhiều so với số vi phạm phát sinh năm 2017. Vi phạm mới phát sinh năm 2018 được các xã, thị trấn quan tâm xử lý ngay.

Theo Ban Chỉ đạo Xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi huyện Mỹ Đức, trên địa bàn huyện Mỹ Đức còn nhiều các vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi đã tồn tại từ nhiều năm trước (trước năm 2015), rất phức tạp. Đặc biệt là các trường hợp vi phạm trên các tuyến đê Mỹ Hà (đoạn xã Hợp Thanh), bờ hữu Đáy (đoạn xã Phù Lưu Tế, Phùng Xá) và các đăng chặn trên sông Thanh Hà. Các vi phạm này chủ yếu là các công trình xây dựng kiên cố liên quan đến việc bán đất trái thẩm quyền và các hợp đồng thầu khoán trên quỹ đất công ích, đất thủy lợi, đê điều sai phạm từ nhiều năm trước.

Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo Xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi huyện Mỹ Đức đã kiến nghị UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức theo thẩm quyền quản lý thường xuyên kiểm tra, phát hiện các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh để kịp thời xử lý theo đúng quy định; tiếp tục công tác rà soát, phân loại, kiểm đếm và tổng hợp các vi phạm tồn tại làm cơ sở xây dựng kế hoạch giải tỏa; thường xuyên kiểm tra không được để các vi phạm phát sinh, tái vi phạm.

(Theo HN Portal)

Top