Huyện Thạch Thất: Mỗi năm tăng trưởng khoảng 12%

19/07/2018 11:16 AM

(Chinhphu.vn) - Bí thư huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn chia sẻ, 10 năm qua, tăng trưởng quan trọng nhất của Thạch Thất là tăng trưởng kinh tế (mỗi năm tăng trung bình 12,2%). Vị thế và uy tín của Thạch Thất trong trình quá xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng được khẳng định rõ nét.

Bí thư huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn đã trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô.

Thạch Thất hiện có trên 1.300 doanh nghiệp và trên 20.800 hộ sản xuất kinh doanh-Ảnh: Gia Huy

Thưa ông, so sánh 10 năm sau khi huyện Thạch Thất cùng với tỉnh Hà Tây được điều chỉnh địa giới hành chính về Hà Nội, những điểm nổi bật nhất huyện Thạch Thất đã đạt được là gì?

Ông Nguyễn Doãn Hoàn: Những ngày này cách đây 10 năm, cả Thành phố đang tập trung các thủ tục, các điều kiện để chính thức ngày 1/8/2008 thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Có thể khẳng định, chủ trương theo Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội được đánh giá là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của Thủ đô và đất nước. Thời điểm hợp nhất, huyện Thạch Thất tiếp nhận thêm 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và đến nay huyện có 23 xã, thị trấn.

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, TP.Hà Nội nói chung và huyện Thạch Thất nói riêng đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và công tác xây dựng Đảng. Trong đó, tôi thấy rằng, cái được lớn nhất của Đảng bộ và chính quyền của huyện là sự đoàn kết thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Kết quả trong 10 năm qua, tăng trưởng quan trọng nhất của Thạch Thất là tăng trưởng kinh tế, mức tăng trưởng bình quân hàng năm trong 10 năm qua tăng 12,2%.

Chỉ tiêu lớn huyện đạt được là thu nhập bình quân đầu người và giảm hộ nghèo. Riêng với công tác giảm nghèo, trước khi hợp nhất, 3 xã của Hòa Bình có trên 20% là hộ nghèo, riêng huyện là 9,3% hộ nghèo, đến hết năm 2017 Thạch Thất còn 1,18% hộ nghèo và theo dự kiến đến hết năm 2018 Thạch Thất chỉ còn 0,7% hộ nghèo.

Điểm nổi bật khác của huyện đạt được sau 10 năm là thu nhập bình quân đầu người. Từ một huyện cách đây 10 năm thu nhập chỉ từ 10-12 triệu đồng/người/năm, đến nay Thạch Thất đã đạt 52 triệu đồng/người/năm, gấp 4,5 lần so với năm 2007.

Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn-Ảnh: Gia Huy

Ông vừa nhấn mạnh tăng trưởng quan trọng nhất của Thạch Thất là về kinh tế, vậy ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về cơ cấu kinh tế của Thạch Thất phát triển như thế nào trong 10 năm qua?

Ông Nguyễn Doãn Hoàn: Để đạt mức tăng trưởng bình quân 12% mỗi năm trong 10 năm qua là cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp-thương mại, dịch vụ-nông nghiệp. Cụ thể, đến năm 2017 tỷ trọng giá trị công nghiệp của huyện là 68,2%; tiểu thủ công nghiệp-thương mại là 22,2%; dịch vụ-nông nghiệp là 9,6%.

Để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Thạch Thất đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các cụm, điểm công nghiệp; phát huy và phát triển các làng nghề truyền thống, quan tâm đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu các sản phẩm làng nghề… Đến nay, huyện có 1 khu công nghiệp, 7 cụm công nghiệp, trên 1.300 doanh nghiệp và trên 20.800 hộ sản xuất kinh doanh. Các làng nghề của Thạch Thất tập trung vào 2 ngành sản xuất chính là cơ kim khí và chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất làm nhà cổ truyền.

Thương mại, dịch vụ cũng được đẩy mạnh quan tâm đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống chợ theo chuẩn nông thôn mới; hoạt động xúc tiến trao đổi thương mại, hợp tác quốc tế của các doanh nghiệp được tăng cường. Thạch Thất đã tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm như Đại lộ Thăng Long, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ĐH Quốc gia Hà Nội, dự án tái định cư, dự án phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Thạch Thất là một trong những địa phương đứng vào top đầu của Thành phố về giáo dục và đào tạo, ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

Ông Nguyễn Doãn Hoàn: Huyện Thạch Thất quan điểm là muốn đào tạo nguồn lao động phải quan tâm giáo dục và đào tạo, vì vậy lĩnh vực này được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Toàn huyện có 81 trường học công lập, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp… Trong 10 năm, huyện Thạch Thất xây dựng mới 803 phòng học, 117 công trình phụ trợ với mức đầu tư trên 836 tỷ đồng.

Từ huyện chỉ có 27% số trường đạt chuẩn quốc gia, đến hết năm 2018 Thạch Thất có 69% số trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm đạt trên 99%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi có trình độ THPT và tương đương đạt 80,2%, tăng 12,3% so với năm 2007.

Đặc biệt, trong vòng 10 năm qua Thạch Thất đứng trong top 5 của Thành phố về số học sinh đạt giải Thành phố và quốc tế. Toàn huyện có 2 học sinh đạt giải quốc tế về Tin học và Toán; 12 học sinh đạt giải quốc gia; 249 học sinh đạt giải cấp Thành phố. Đây là những nỗ lực lớn của ngành giáo dục và đào tạo huyện Thạch Thất trong 10 năm hợp nhất về Thủ đô.

Là một trong những huyện có kết quả phát triển tích cực ở nhiều lĩnh vực sau 10 năm về Thủ đô, vậy định hướng phát triển của Thạch Thất trong giai đoạn tiếp theo như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Doãn Hoàn: Đánh giá chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thạch Thất đều cho rằng bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì Thạch Thất chưa tận dụng hết lợi thế để phát triển kinh tế. Đặc biệt là sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp, hộ sản xuất còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh chưa cao. Do là địa bàn có nhiều cụm công nghiệp, làng nghề nên còn trình trạng ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục triệt để; công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng còn vi phạm.

Từ đó huyện Thạch Thất đã rút ra bài học kinh nghiệp để đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tới. Đặc biệt là trong phát triển kinh tế, Thạch Thất sẽ quan tâm chỉ đọa phát triển các làng nghề, đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cho các hộ vào các cụm công nghiệp. Thạch Thất cũng đề ra chủ trương thu hút đầu tư xây dựng xã Thạch Hòa phát triển theo mô hình đô thị.

Ngoài ra, huyện sẽ triển khai quy hoạch thị trấn Liên Quan, xã Hữu Bằng và các điểm đấu giá đất ở; hoàn thành công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới; hoàn thành quy hoạch và thực hiện quy hoạch chi tiết di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.

Thạch Thất sẽ huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, phấn đấu huyện Thạch Thất được công nhận là huyện nông thôn mới trong năm 2018.

Xin cảm ơn ông!

Gia Huy (thực hiện)

Top