Kết nối cung cầu hàng hóa: Cơ hội giao thương lớn cho các địa phương

02/12/2016 8:16 AM

(Chinhphu.vn) – Có thể thấy, các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước thời gian qua đã góp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa giữa các vùng miền. Tuy nhiên, để hình thành liên kết chuỗi, từ sản xuất tới cung ứng, phân phối cần sự phối hợp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là sự chủ động của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tham gia ký kết tiêu thụ sản phẩm địa phương. Ảnh: Thùy Linh

Theo Sở Công Thương Hà Nội, riêng trong năm 2016, Hà Nội đã tổ chức cho 400 lượt doanh nghiệp tham gia các chương trình liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm; ký kết hơn 350 biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế về khai thác đa dạng sản phẩm nông sản thực phẩm thủy hải sản và các sản phẩm lợi thế từ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, đồng thời bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho Thủ đô những mặt hàng chưa tự cung ứng đủ, góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Cụ thể, Hà Nội đã chỉ đạo các hội, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức giao thương với các tỉnh: Bắc Giang, Hà Giang, Thái Bình, Hưng Yên, An Giang, Cà Mau…hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của địa phương trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội còn hỗ trợ 20 tỉnh, thành phố xây dựng phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, cũng như công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm nông lâm thuỷ sản của các tỉnh tiêu thụ trên địa bàn Thành phố và ngược lại theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, liên kết đầu tư sản xuất và chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các chương trình liên kết vùng đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều địa phương đã chủ động đề xuất các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, giúp các doanh nghiệp chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm có tính thời vụ, cơ bản đã khắc phục được tình trạng được mùa mất giá, mất mùa giá tăng.

Đặc biệt, Sở Công Thương đã cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Du lịch Hà Nội, các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, chất lượng sản phẩm...để đưa vào kênh phân phối hiện đại. Đến nay, các sản phẩm đã có mặt trên thị trường Hà Nội, được người tiêu dùng Thủ đô đánh giá cao.

Vẫn còn vướng mắc

Có thể thấy, các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp địa phương, đẩy mạnh tăng trưởng lưu chuyển hàng hoá trên thị trường, đáp ứng nguồn cung của thị trường Hà Nội, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng thường xuyên của người dân trong các dịp lễ, tết và bình ổn thị trường của các địa phương, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu, đặc sản vùng miền

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, tại các tỉnh còn ít những doanh nghiệp lớn làm đầu mối thu mua hàng hoá cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất, do đó, các doanh nghiệp của Hà Nội còn gặp khó khăn khi cần lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm, đồng đều.

Cùng quan điểm, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam cho biết thêm, các hộ, hợp tác xã sản xuất hàng hoá, nông sản vẫn theo tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, cũng như khẩu thu gom, bảo quản, vận chuyển... Sự liên kết, kết nối giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp phân phối chưa chặt. Hơn nữa, sự phối hợp của các địa phương đôi khi chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường, nên công tác triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. 

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup nói: “Nhiều khi người sản xuất loay hoay với câu hỏi “Bán cho ai?” Thực trạng trên cho thấy việc kết nối cung cầu chưa tốt”. Trong lĩnh vực bán lẻ, Vingroup quyết tâm kết nối sản xuất với tiêu dùng, không thông qua các khâu trung gian để bảo đảm tốt nhất chất lượng và giá cho người tiêu dùng.

Một gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của địa phương. Ảnh: Thùy Linh

Hoạt động liên kết cần đi vào thực chất

Việc Hà Nội tổ chức hội nghị kết nối cung cầu với các tỉnh, thành trong cả nước được các tỉnh, thành đánh giá cao. Chương trình sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm của doanh nghiệp các tỉnh, thành phố có thể vào được các siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội và ngược lại.

Để chương trình kết nối ngày càng hiệu quả, nhiều tỉnh, thành tham gia, nhất là trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt với hàng hóa ngoại nhập, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu thiết lập sàn thương mại điện tử cho hàng nông sản trong nước tìm kiếm, kết nối thương mại. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp trao đổi cung cấp thông tin, trao đổi hàng hóa giữa các cơ quan quản lý công thương. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại kết nối các nhà cung cấp với hệ thống phân phối.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình sản xuất, cung cấp hàng hóa sạch, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường Hà Nội. Ngược lại, Hà Nội tạo điều kiện cho hàng hóa các tỉnh tiếp cận các kênh phân phối trên địa bàn.

Các doanh nghiệp kiến nghị các cấp chính quyền cần song hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt. Bên cạnh đó, Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại để bảo đảm có các kênh tiêu thụ bền vững. 

Thời gian tới, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội tiếp tục đầu tư, phát triển mạng lưới phân phối theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ của Thành phố; tích cực hỗ trợ, giúp đỡ tối đa việc tiêu thụ các sản phẩm của các địa phương trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô.

Tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành ngày 1/12, 21 nhà phân phối đã ký biên bản kết nối với 265 doanh nghiệp, nhà sản xuất, hợp tác xã, trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh với trị giá: Tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh về địa bàn thành phố trong dịp Tết và năm 2017 đạt trên 17.000 tỷ đồng; tiêu thụ hàng hóa của Hà Nội về các tỉnh đạt trên 6.500 tỷ đồng.

Gia Huy – Thùy Linh

Top