Kết nối mạng lưới sản xuất, tiêu dùng bền vững ngành mây tre đan

29/09/2020 4:19 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 29/9, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ tổ chức Lễ khai mạc “Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ TP. Hà Nội năm 2020”.

Sản phẩm được kết nối, trưng bày tại Hội chợ. Ảnh: Thùy Linh

Đồng hành cùng với chuỗi kết nối là Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, xúc tiến thương mại và chào mừng Thành công Đại hội Đảng bộ huyện Chương Mỹ lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2020-2025. Chuỗi sự kiện tổ chức giúp bảo tồn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát huy và giữ gìn cho ngành nghề truyền thống phát triển bền vững và ổn định; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thúc đẩy liên kết mạng lưới giữa nhà cung cấp-nguyên liệu-nhà sản xuất-nhà phân phối-người tiêu dùng; tái sản xuất kinh doanh đáp ứng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trọng điểm trong quá trình phục hồi kinh tế, phục hồi kinh tế xanh của thế giới.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh ngành hàng thủ công mỹ nghệ bị gián đoạn, đứt gãy, tác động lớn đến việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhiều đơn hàng đề nghị lùi thời hạn giao hàng và bị hủy, nhiều mặt hàng đã làm xong nhưng không xuất khẩu được. Dự báo các mặt hàng này sẽ bị giảm doanh thu từ 70%-80% so với cùng kỳ năm 2019.

Do đó, việc tổ chức hoạt động kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành mây tre đan, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ sẽ kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, thiết thực hỗ trợ doanh nhiệp sản xuất ngành thủ công mỹ nghệ, vực lại sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn.

Để chung tay xây dựng mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố, ông Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, góp phần thúc đẩy nước ta sớm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Là địa phương đồng hành cùng Chương trình, huyện Chương Mỹ có 35 làng nghề được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống, trong đó chủ yếu là làng nghề mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, nhằm hỗ trợ bảo tồn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát huy và giữ gìn cho ngành nghề truyền thống phát triển bền vững và ổn định trong thời gian tới, các làng nghề truyền thống trong ngành mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ trên địa bàn, huyện Chương Mỹ tiên phong đi đầu tham gia chương trình Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững TP. Hà Nội năm 2020 nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của làng nghề. Đây là giải pháp thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ góp phần bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế.

Sự kiện kết nối lần này cũng nhằm kêu gọi, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cùng chung tay, góp sức hình thành liên kết mạng lưới giữa nhà cung cấp nguyên liệu-nhà sản xuất-nhà phân phối-người tiêu dùng nhằm nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng. Đồng thời, hướng người tiêu dùng tới lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, sản xuất từ các công nghệ thân thiện với môi trường…

Thùy Linh

Top