Kết nối thương mại trực tuyến: Vượt khó ‘mùa’ COVID-19’

06/10/2020 2:38 PM

(Chinhphu.vn) - Từ khoảng tháng 4/2020 trở lại đây, hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến liên tục được cơ quan quản lý, doanh nghiệp đẩy mạnh nhằm giảm bớt tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra. Cách làm này được nhìn nhận là con "át chủ bài" giúp hàng Việt tiếp tục gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới.

Nhiều sản phẩm đặc sản trên mọi miền tổ quốc được phát triển tại Hà Nội mạnh mẽ qua thương mai điện tử - Ảnh: An Khuê

Tần xuất cao, hiệu quả rõ

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp và thương mại của Thủ đô đã đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội cũng như cả nước. Kết quả này đã góp phần quan trọng đưa tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm của Hà Nội tăng 3,39%, mức khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh.

Điển hình là việc thực hiện đơn giản giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực công thương, đã rút ngắn được thời gian làm việc, tiết kiệm được nhiều tỷ đồng chi phí của doanh nghiệp. Đến hết năm 2019, Hà Nội đã lựa chọn, công nhận được 91 sản phẩm của 58 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó có 12 doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Một trong những động lực giúp thương mại Thủ đô tăng trưởng được như vậy là do nền tảng trực tuyến rất tốt. Không chỉ Hà Nội mà thương mại điện tử đang là xu thế tất yếu của cả trong và ngoài nước.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục liên tiếp thực hiện đa dạng nhiều cuộc giao thương trực tuyến, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam duy trì kết nối với đa dạng thị trường trọng điểm và mục tiêu, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch. Việt Nam là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam có nguồn cung cấp nông sản, thực phẩm phong phú với chất lượng bảo đảm, phù hợp nhiều phân khúc tiêu thụ khác nhau để cung ứng cho thị trường quốc tế.

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ rõ hơn, tính từ đầu tháng 4/2020 đến nay, Cục đã triển khai khoảng hơn 20 cuộc hội thảo, giao thương, Hội chợ trực tuyến với các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á và tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tương tự trong thời gian tới. “Dịch Covid-19 làm thay đổi cả thế giới, trong đó có việc giao thương buôn bán, kết nối khách hàng. Chúng tôi xác định, ngay cả khi dịch COVID-19 được kiểm soát thì đây vẫn là phương thức xúc tiến thương mại hữu hiệu bên cạnh hoạt động giao thương truyền thống”, bà Thanh An nhấn mạnh.

Tăng tính chủ động của doanh nghiệp

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc chia sẻ, mới đây Công ty đã kết nối với 4 bạn hàng sau các kỳ hội chợ online do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức. "Tôi mong các hoạt động này được tổ chức thường xuyên để doanh nghiệp có thêm cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thế giới", bà Lan Hương nói.

Trung Quốc là một trong những thị trường hàng đầu mà cơ quan quản lý nhà  nước hướng đến đẩy mạnh xúc tiến trực tuyến, đặc biệt với mặt hàng nông sản. Đưa ra cái nhìn ở góc độ nhà nhập khẩu, ông Viên Á Tường, Tổng Thư ký Hiệp hội Trái cây Thượng Hải lưu ý, doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả Việt Nam muốn dần chiếm thị phần nhiều hơn, đòi hỏi đặt ra là phải bảo đảm sản phẩm có chất lượng và giá cả cạnh tranh. Doanh nghiệp cần tuân thủ quan điểm chất lượng là trên hết, lấy “ngon” làm nguyên tắc thì sẽ đạt được sự ổn định, để sản phẩm tốt được thị trường chấp nhận và người tiêu dùng yêu thích.

"Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc hiện đã tăng cường giám sát các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, liên quan đến các phương diện như truy xuất nguồn gốc nông sản, đăng ký vùng trồng, đăng ký nhà máy đóng gói và dán nhãn sản phẩm. Điều này chính là trách nhiệm đối với người tiêu dùng và cũng đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn về yêu cầu công việc cho tất cả các nhà sản xuất trái cây", ông Á Tường nhấn mạnh.

Với các thị trường hàng Việt còn khá nhiều cơ hội như Trung Đông-châu Phi, dù được nhận định là thị trường "dễ tính" song để hàng Việt Nam thâm nhập thành công, các Tham tán thương mại Việt Nam tại khu vực này cũng cho rằng, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường này không chỉ “đánh” vào người tiêu dùng nước sở tại mà còn hướng tới những người nước ngoài sinh sống ở đây như người Ấn Độ và các nước châu Á khác. Các DN cũng cần ứng dụng công nghệ sản xuất để sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giảm giá thành để tăng năng lực cạnh tranh với sản phẩm của những nước khác…

Đánh giá khá cao kết quả của hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nhấn mạnh: "Kết nối giao thương trực tuyến là "chìa khóa vàng" để hàng hóa của doanh nghiệp Việt vươn ra toàn cầu. Do vậy, doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ vào các chương trình xúc tiến thương mại của Nhà nước, mà bản thân doanh nghiệp có thể tự chủ động giao thương, kết nối trực tuyến với các đối tác khắp thế giới thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội để gia tăng sự kết nối, tương tác và tìm kiếm cơ hội hợp tác cho mình".

An Khuê

Top