Kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo

28/11/2018 7:42 AM

(Chinhphu.vn)-Sau 3 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, đến thời điểm này, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của thành phố Hà Nội đã được thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo, cận nghèo.

Mở các lớp đào tạo nghề cho người nghèo-Ảnh minh họa

Các chỉ tiêu giảm nghèo đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch

Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều được Chính phủ ban hành và áp dụng từ giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội đã nghiên cứu, phân tích và quyết định áp dụng mức chuẩn nghèo đa chiều cao hơn 1,5 lần.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, thu nhập và đời sống của các hộ nghèo ở Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt.

Ngay từ đầu giai đoạn giảm nghèo 2016-2020, Thành phố đã tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm nghèo bền vững như: Trích ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay phát triển sản xuất, vay chăn nuôi bò; tập trung các nguồn lực thực hiện hỗ trợ xây sửa nhà cho trên 8.000 người có công với cách mạng, hoàn thành trong năm 2017 và năm 2018 tiếp tục hỗ trợ xây sửa nhà cho 4.166 hộ nghèo, hoàn thành trước ngày 17/10/2018; Thành phố đã thực hiện lồng ghép các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiệu số với chính sách hỗ trợ hộ nghèo; gắn việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới với chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững…

Nhờ có các biện pháp quyết liệt, chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố giảm từ 3,64% (đầu năm 2016) xuống 1,69% (đầu năm 2018) và còn 1,17% vào cuối năm 2018, hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của Thành phố giai đoạn 2016-2020. Nếu không tính hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố còn 0,6%.

Ngoài ra, có 16/30 quận, huyện, thị xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, đặc biệt, 4 quận: Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân không còn hộ nghèo.

Có được kết quả tích cực như trên là do việc thực hiện chính sách giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND Thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các cấp xác định mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tiêu giảm hộ nghèo được xác định là một chỉ tiêu thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền xã địa phương. Vì vậy, các địa phương đã nghiên cứu, phân tích và đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cùng với các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững do Chính phủ quy định, chương trình giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội đã thu hút được sự quan tâm, hỗ trợ của doanh nghiệp, tổ chức và sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân. Các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức, thực hiện và nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa của việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều. UBND quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, bố trí nhân lực, nguồn lực đảm bảo công tác rà soát kịp thời, đúng tiến độ.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo

Từ nay đến năm 2020, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố còn dưới 1%, nếu trừ hộ nghèo thuộc chính sách BTXH còn dưới 0,3% vào năm 2019; nếu trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, Thành phố không còn hộ nghèo vào năm 2020.

Để đạt được mục tiêu đó, thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu giảm nghèo của Thành phố và Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; song song với đó là đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, tập trung nguồn lực, giải pháp giảm nghèo hiệu quả, bền vững, ưu tiên các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi; các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao; thực hiện chương trình giảm nghèo gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ đào tạo nghề lao động nông thôn; Đào tạo nghề gắn với đào tạo tại doanh nghiệp, ngành nghề đào tạo phải phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, yêu cầu của thị trường lao động và quy hoạch phát triển sản xuất.

Thành phố cũng tập trung hỗ trợ lao động nghèo vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững (vay vốn phát triển sản xuất, kinh đoanh theo mô hình hộ gia đình hoặc nhóm hộ liên kết sản xuất, áo dụng công nghệ cao; vay chăn nuôi bò); thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ hộ nghèo (cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập cho con hộ nghèo, cung cấp nước sạch cho người dân, hỗ trợ sữa học đường...

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo; kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, tiếp nhận, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; hỗ trợ thường xuyên cho các hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (thành viên hộ nghèo là người khuyết tật, cao tuổi cô đơn, trẻ em mồ côi, người bị mắc bệnh hiểm nghèo...).

Vĩnh Hoàng (Tổng hợp)

Top