Khai mạc Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống năm 2016

29/09/2016 10:18 PM

(Chinhphu.vn) - Tối 29/9, tại Hoàng thành Thăng Long, UBND TP Hà Nội đã khai mạc Liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội - Việt Nam năm 2016 với sự tham gia của 260 khu không gian, gian hàng và 30/52 nghề truyền thống của Việt Nam.

Khai mạc Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam năm 2016

Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam 2016 mang chủ đề “Hà Nội - Tinh hoa truyền thống” được TP Hà Nội kỳ vọng sẽ là hoạt động văn hóa, du lịch góp phần giới thiệu, bảo tồn, tôn vinh và phát triển các nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch của thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Liên hoan là một trong chuỗi những sự kiện được tổ chức thường niên góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống của Hà Nội, các tỉnh, thành và tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp du lịch, hình thành nên các tour/tuyến phù hợp nhằm củng cố, kết nối sự phát triển của du lịch với hoạt động bảo tồn văn hóa.

Tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, với bề dày hàng nghìn năm văn hiến, truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, Hà Nội có nhiều di sản văn hóa hấp dẫn, đặc biệt là hệ thống các làng nghề truyền thống đa dạng, phong phú với 1.350 làng nghề, trong đó có 277 làng nghề truyền thống được công nhận, tiêu biểu như: Gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, điêu khắc gỗ Sơn Đồng…

“Đây là nguồn tài nguyên du lịch phong phú đặc sắc cần tập trung đầu tư phát triển du lịch trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nói.

Thao diễn tay nghề của các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng tại Liên hoan

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng. Thành phố đã có chủ trương lập và triển khai quy hoạch, đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc, trở thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý mong muốn, thông qua sự kiện lần này, Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ hơn nữa từ Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương bạn cũng như bạn bè quốc tế, góp phần phát triển làng nghề gắn với du lịch của Thủ đô.

Trong không gian Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam năm nay, làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc cùng 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu của thành phố vinh dự được giới thiệu với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế những tinh hoa của mình tại khu làng lụa, làng gốm và khu thao diễn nghề, đây là một trong những điểm nhấn nổi bật của Liên hoan lần này.

Liên hoan bao gồm các hoạt động bổ ích như lễ rước tổ nghề, hội thảo chuyên đề về phát triển du lịch gắn với làng nghề và những khu trưng bày, triển lãm đặc sắc, hấp dẫn... Ban tổ chức kỳ vọng sẽ là hoạt động văn hóa, du lịch góp phần giới thiệu, bảo tồn, tôn vinh và phát triển các nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch của thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Điển mới của Liên hoan Du lịch làng nghề năm nay là sự đổi mới trong cách thức, địa điểm tổ chức, tăng cường trình diễn tay nghề của các nghệ nhân… để theo kịp với sự vận động, phát triển và hướng đến nhu cầu khách du lịch.

Du khách nước ngoài đang xem mặt hàng lụa truyền thống

Không gian Liên hoan gồm các khu vực chính: Khu tái hiện không gian làng nghề sẽ tái hiện không gian làng lụa Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng; Khu thao diễn tay nghề được chia làm 7 khu với sự tham gia của các nghệ nhân đến từ 7 làng nghề tiêu biểu: Làng điêu khắc gỗ Sơn Đồng, Làng sơn mài Hạ Thái, Làng thêu Thắng Lợi, Làng mây tre đan Phú Vinh, Làng nón Chuông, Đèn Trung thu Thường Tín, Làng quạt Chàng Sơn; Khu triển lãm ảnh và tư liệu các làng nghề truyền thống; Khu không gian nghệ thuật sắp đặt từ các sản phẩm làng nghề, phố nghề.

Đặc biệt là Khu gian hàng với gần 250 gian hàng, bao gồm: Khu làng nghề và các doanh nghiệp nghề truyền thống của Hà Nội với 60 gian hàng của 40 đơn vị tham gia; Khu Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch các tỉnh, thành phố gồm 40 gian hàng của 22 tỉnh thành trên cả nước về tham gia; Khu doanh nghiệp du lịch và các nhà tài trợ gồm 50 gian hàng của 32 đơn vị tham gia; Khu quảng bá du lịch Hà Nội với 5 gian hàng; Khu gian hàng Làng nghề cả nước với Hà Nội với 63 gian hàng dành cho các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú và các doanh nghiệp đến từ các làng nghề, phố nghề của 11 tỉnh thành trên cả nước; Khu ẩm thực với 30 gian hàng.

Ngoài ra là Khu không gian nhà nghinh phong của vùng đồng bằng sông Hồng; Khu không gian nghệ thuật đèn lồng; Khu không gian nghệ thuật diều; Khu không gian trưng bày trang phục Huế; Khu không gian nét đặc trưng văn hóa Mai Châu - Hòa Bình; Khu triển lãm ảnh các làng nghề truyền thống và Khu quảng bá du lịch Hà Nội.

Liên hoan diễn ra từ ngày 29/9 đến ngày 2/10 tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Tin, ảnh: Gia Huy

Top