Khánh thành Bia Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

04/04/2019 2:27 PM

(Chinhphu.vn) - 70 năm đã qua đi kể từ ngày đầu tiên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được thành lập, có biết bao thế hệ nhà báo đã ra đời, hi sinh và cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp “cầm bút”.

Mặc dù chỉ tồn tại trong 3 tháng nhưng trường đã trở thành dấu son lịch sử không thể phai mờ của báo chí cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào của các thế hệ làm báo suốt nhiều thập kỷ qua.

Đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: Thiện Tâm

Ngày 4/4, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khánh thành Bia Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Tham dự buổi lễ có đại diện Bộ VHTT&DL, đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cùng các đồng chí ủy viên Ban thường vụ, Ban chấp hành, lãnh đạo các cấp hội Nhà báo địa phương, các đồng chí trưởng, phó các đơn vị thuộc Hội và đông đảo các đồng chí hội viên, nhà báo, phóng viên đưa tin của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương.

Trước đó, ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đối với Di tích lịch sử địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết, bia Di tích quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được khánh thành ngay vùng đất 70 năm trước là nơi diễn ra Lễ khai giảng của khóa học đầu tiên và duy nhất của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào những ngày đầu tháng 4 năm 1949, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã mọc lên một ngôi trường tranh tre nứa lá mang tên “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”- cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên ra đời trong khói súng của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và là một dấu son trong trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta.

Ban giám đốc trường do Tổng bộ Việt Minh trực tiếp chỉ định với đội ngũ giảng viên hùng hậu gồm 29 người đã tham gia công tác đào tạo, bao gồm những nhà báo kiêm chính trị gia nổi tiếng như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Xuân Thủy, Hà Xuân Trường… đã trực tiếp giảng dạy, đảm nhiệm toàn bộ các học phần, thể tài, thể loại từ báo chí đến văn hóa, văn nghệ.

Lễ khánh thành Bia di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh: Thiện Tâm

Trong 3 tháng khóa học diễn ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần liền gửi thư động viên, dạy bảo, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo cách mạng cho các học viên... Trong thư có đoạn“Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!".

Tiếp thu lời dạy của Người, trong vòng 3 tháng, tính từ ngày 4/4/1949 đến ngày 6/7/1949, trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo đặc biệt của mình. 42 học viên hầu hết là những cán bộ, phóng viên báo chí đang công tác trong các cơ quan báo chí đến từ khắp mọi miền đất nước, sau khi tốt nghiệp đều trở thành các nhà báo, nhà hoạt động văn hóa văn nghệ trụ cột của nước nhà.

Nhằm khắc ghi một sự kiện lịch sử gắn liền với một lớp nhà báo tiên phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình vì mục tiêu “Tất cả để chiến thắng”, đồng thời trên cơ sở những hồ sơ, tài liệu, hiện vật do Bảo tàng Báo chí Việt Nam dày công sưu tầm, chuẩn bị, địa chỉ đỏ nơi tổ chức Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng 70 năm trước đã được khoanh vùng bảo vệ là nơi đặt Bia Di tích với diện tích 859 m2 thuộc lô đất đồi rừng số 32 tờ bản đồ 47, vị trí 21 độ 35 phút 20 giây Vĩ Bắc; 105 độ 41 phút 42 giây Kinh Đông.

Ngoài lễ khánh thành bia di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra lễ cắt băng khánh thành khu trưng bày chuyên đề: 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, nhằm thể hiện tinh thần làm sáng tỏ lịch sử, tôn vinh những giá trị lịch sử chân chính. Tại đây có các tư liệu, hiện vật quý của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm xưa. Trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật, bút tích, hình ảnh đều là bản gốc lần đầu tiên được biết đến và lần đầu tiên được công bố trong dịp này.

Thiện Tâm

Top